Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng lại có quyền lực lớn đến vậy trong nền kinh tế toàn cầu chưa? Tuần này, hãy cùng eJOY “thâm nhập” vào thế giới của các ông trùm phố Wall và học thêm nhiều từ vựng tiếng Anh lĩnh vực kinh tế, tài chính qua danh sách 15 bộ phim cực hay mang chủ đề Tài chính – Ngân hàng nhé! Bài viết này sẽ đặc biệt phù hợp với các bạn đang theo học chuyên ngành Kinh tế, Tài chính hoặc bất cứ ai có quan tâm và đam mê với lĩnh vực này đó! Cùng eJOY khám phá nhé!


Đọc thêm:

Học Tiếng Anh Qua Phim – Cẩm Nang Từ A-Z


Lợi ích của việc học tiếng Anh qua phim

Học tiếng Anh qua phim có gì “hay ho” hơn những cách học bình thường nhỉ? Câu trả lời cho bạn đây: học tiếng Anh qua phim là cách học “bổ từ trong ra ngoài”. 

Mở rộng vốn từ vựng

Nếu bạn mong muốn trau dồi một vốn từ vựng phong phú và linh hoạt, hãy học tiếng Anh qua phim. Với mỗi bộ phim, mỗi câu thoại, bạn có thể học được vô số từ vựng hữu ích. Đặc biệt, các bộ phim thường được xây dựng theo một chủ đề nhất định, do đó các từ vựng học được theo cách này thường sẽ có tính hệ thống và liên kết chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, việc học từ vựng một cách “trực quan” thông qua những câu thoại trong các ngữ cảnh cụ thể giúp ta hình dung rõ nét hơn không chỉ ý nghĩa mà còn cách dùng, hoàn cảnh dùng của các từ mới, từ đó áp dụng hiệu quả và “làm chủ” từ vựng của mình. 

Cải thiện kỹ năng nghe – nói 

Thời gian trung bình từ 1 tiếng rưỡi tới 2 tiếng của một bộ phim sẽ giúp ta luyện kĩ năng nghe – nói thực sự hiệu quả nếu được áp dụng đúng cách. Quá trình xem phim không những giúp ta làm quen với việc nghe tiếng Anh với tốc độ giao tiếp chuẩn của người nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho ta tiếp xúc với tiếng Anh ở các ngữ điệu, giọng điệu khác nhau, tiếng Anh – Anh, Anh – Mỹ hay thậm chí Anh – Úc,… Việc lắng nghe cách các nhân vật trong phim kết hợp từ ngữ, sắp xếp lời nói, ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu,… sẽ là bài học bổ ích giúp ta nói tiếng Anh tốt hơn, tự nhiên hơn và “giống người bản xứ” hơn.   

Phát triển tư duy bằng tiếng Anh

Làm thế nào để bỏ được thói quen tư duy bằng tiếng Việt rồi sau đó mới dịch sang tiếng Anh? Một trong những cách bạn có thể thử chính là trải nghiệm thế giới phim ảnh. Sự hòa mình vào không khí phim, dòng suy nghĩ, hội thoại của các nhân vật sẽ giúp ta làm quen dần với lối tư duy logic của người phương Tây, tập dần phản xạ suy nghĩ bằng tiếng Anh trước một tình huống, một vấn đề mới xuất hiện.  

Tạo dựng sự hứng thú với tiếng Anh 

Để học tốt bất cứ bộ môn nào, không chỉ riêng tiếng Anh, chúng ta cần loại bỏ hết những áp lực, sợ hãi và lo âu, thay vào đó cần một sự hứng thú và đam mê nhất định. Phương pháp học qua phim sẽ giúp tiếng Anh không còn đáng sợ, trái lại, ta sẽ khám phá được những nét thú vị của ngôn ngữ này cũng như văn hóa, phong cách sống phương Tây. Từ đó, động lực học tiếng Anh được nạp đầy và học tiếng Anh sẽ đơn giản là làm điều mình thích! 

Các bước học tiếng Anh qua phim hiệu quả

Bước 1 – Xem hết bộ phim với phụ đề song ngữ

Sau khi lựa chọn được bộ phim phù hợp, bạn nên xem phim với phụ đề song ngữ. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu nội dung phim cũng như ý nghĩa từ vựng. Sau khi đã xem xong và ghi lại các từ mới đáng chú ý, bạn có thể chuyển sang phụ đề tiếng Anh để luyện khả năng nghe, phản xạ với ngôn ngữ, ghi nhớ từ vựng hoặc luyện nói.   

Bước 2 – Lựa chọn đoạn phim yêu thích và luyện tập 

Sau khi đã xem trọn vẹn bộ phim với sự hỗ trợ của phụ đề, bạn hãy lựa chọn một vài đoạn phim ngắn (dưới 3 phút) mà mình tâm đắc hoặc muốn tìm hiểu thêm để luyện tập. Với các đoạn phim nhỏ này, bạn có thể luyện tập một cách cụ thể và kỹ càng hơn với các dạng bài tập sau:

    • Xem lại nhiều lần đoạn phim với phụ đề tiếng Anh
    • Tra và lưu lại các cụm từ/mẫu câu hay
    • Luyện nghe, chép chính tả
    • Luyện nói, nhại lại lời thoại của nhân vật

Bước 3 – Xem lại phim và ôn tập từ vựng 

Ở bước này, chúng mình hãy thử xem lại cả bộ phim bằng phụ đề tiếng Anh để kiểm tra xem bản thân đã nắm được bao nhiêu từ vựng và nghe được bao nhiêu phần của bộ phim. Sau đó hãy vào eJOY Game Center để củng cố lại các từ vựng học được một lần nữa qua các trò chơi thú vị.

Để hiểu thêm về cách học tiếng Anh qua phim một cách chi tiết nhất, bạn có thể đọc bài viết Học tiếng Anh qua phim – Cẩm nang từ A-Z của eJOY tại đây nhé! Bài viết hướng dẫn cụ thể cách học cho các trình độ khác nhau (Beginner, Intermediate,…), trên các thiết bị khác nhau (điện thoại, laptop,…).


Đọc thêm:


Danh sách 15 bộ phim tiếng Anh nổi bật với chủ đề Tài chính – Ngân hàng

Chủ đề Tài chính – Ngân hàng, đặc biệt là bối cảnh phố Wall, Mỹ không còn mấy xa lạ với những mọt phim vì số lượng phim làm về đề tài này không hề nhỏ. Trong số vô vàn những bộ phim đó, eJOY đã lựa chọn ra 15 cái tên không những thể hiện sống động chủ đề mà còn phù hợp để học tiếng Anh. 

Tất cả các bộ phim trong danh sách này đều có thể được tìm thấy tại trang web Phimlearning.com và Netflix. Đặc biệt, khi học tiếng Anh qua phim trên Netflix, bạn có thể dễ dàng thực hiện một số thao tác như lặp lại một câu thoại, tua chậm tốc độ nói, … với sự hỗ trợ của eJOY eXtension. Đọc thêm về cách dùng eJOY eXtension trên Netflix tại đây nhé.

1. Wall Street: Money Never Sleeps (2010)

Jake Moore là một chàng trai trẻ làm việc tại một hãng đầu tư do Gordon Gekko – người cố vấn của anh làm chủ. Trong quá trình làm việc, Jake rơi vào trận chiến kịch liệt một mất một còn với đối thủ. Trong cuộc chiến đó, Jake nhận ra một hình ảnh mới của người thầy Gordon uyên bác – một chuyên gia tài chính tàn nhẫn nhưng lại có đầy lời khuyên và những mánh khóe bẩn thỉu của một kẻ nội gián. Liệu Jake có đánh mất mình trong vòng xoáy tiền bạc, bạo lực và trở thành một con người thủ đoạn như Gordon? 

Bộ phim với thời lượng 2h13’ này được đánh giá là phù hợp cho người học tiếng Anh ở trình độ Intermediate trở lên. Tốc độ nói của các diễn viên rrong phim ở mức trung bình, với phát âm tròn vành, rõ chữ. Phim cung cấp trường từ vựng đa dạng về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt là về mảng đầu tư, giao dịch nội gián (insider trading),…

2. The Bank (2001)

Jim Doyle là một thiên tài toán học đang cố gắng tìm ra công thức để tính toán được thời điểm sụp đổ của thị trường chứng khoán. Anh được tiếp cận bởi Giám đốc điều hành của Centabank, Simon O’Reilly, người mong muốn được hợp tác trong nghiên cứu đột phá của Jim và thu lời từ việc đầu cơ dựa vào những hiểu biết về thị trường này. Không thể tránh khỏi, dù được che giấu kĩ tới đâu thì những dấu vết của tham nhũng và lòng tham vô đáy cũng sớm bị bại lộ, mang theo những hậu quả nặng nề.

3. The Wolf of Wall Street (2013)

Phim được phóng tác dựa trên kịch bản chuyển thể từ cuốn hồi ký nổi tiếng ăn khách của Jordan Belfort, một tay môi giới cổ phiếu giá trị thấp từ Long Island. Jordan đã trở nên cực kỳ nổi tiếng khi xuất bản cuốn hồi ký sau thời gian thụ án 20 tháng tù do từ chối hợp tác với cảnh sát điều tra vụ bê bối chứng khoán giả mạo đã suýt nữa làm sụp đổ cả phố Wall vào thập niên 90, dính líu đến giới ngân hàng và cả các băng đảng mafia. 

The Wolf of Wall Street nổi bật với các đoạn hội thoại, diễn thuyết với ngữ âm sống động, phong thái tự tin của các diễn viên. Chắc chắn bạn sẽ học được vài cách nhấn nhá câu chữ sao cho thuyết phục để cải thiện kĩ năng nói của mình. Bạn cũng sẽ bắt gặp trong phim những cụm từ thú vị như vote of confidence, name of the game,… Tuy nhiên, phim có sử dụng nhiều từ ngữ mạnh cũng như một số cảnh nhạy cảm, bạn hãy lưu ý trước khi xem nhé. 

4. Inside Job (2010)

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào mùa thu năm 2008 đã khiến hàng triệu người mất việc làm và nhà cửa và đẩy Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế sâu sắc. Inside Job là bộ phim tài liệu nói về bối cảnh đó, được thuật lại với giọng của diễn viên Matt Damon, cung cấp chi tiết quá trình điều tra về các yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và xác định các nhân tố liên quan chính từ lĩnh vực tài chính và chính trị.

5. Too Big To Fail (2011)

Too Big To Fail ghi lại câu chuyện về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tập trung vào các hành động của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Henry Paulson và Ben Bernanke, Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang, nhằm ngăn chặn các vấn đề trong giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 10 năm 2008. Bộ phim đem đến cho khán giả một cái nhìn hấp dẫn về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 từ góc nhìn của những người trong cuộc đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

6. The Big Short (2015)

Vào năm 2008, Michael Burry, một chuyên gia phố Wall nhận ra rằng một số khoản vay mua nhà dưới chuẩn ở Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Burry đã lợi dụng tình hình này và đặt cược vào thị trường bất động sản bằng cách ném hơn 1 tỷ đô la tiền của các nhà đầu tư của mình vào các giao dịch. Hành động này của Burry thu hút sự chú ý của nhân viên ngân hàng Jared Vennett, chuyên gia quỹ đầu cơ Mark Baum và những kẻ cơ hội có lòng tham vô đáy khác. Cùng nhau, những người đàn ông này đã hợp tác để kiếm bộn tiền bằng cách tận dụng tối đa sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra ở Mỹ.

The Big Short tạo dấu ấn với hàng loạt các từ vựng liên quan tới chuyên ngành tài chính, ngân hàng, đặc biệt là các từ vựng liên quan tới thị trường bất động sản và hệ thống tín dụng. Giọng Anh – Mỹ chuẩn cùng tốc độ nói trung bình, phát âm rõ nét khiến bộ phim trở nên rất phù hợp để luyện kĩ năng nghe nói tiếng Anh. 

7. The China Hustle (2017)

The China Hustle là một bộ phim tài liệu mô tả một vụ lừa đảo chứng khoán có hệ thống đang tiếp tục xảy ra ở Hoa Kỳ, trong đó các công ty nhỏ của Trung Quốc (có khả năng có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc), được các ngân hàng đầu tư Mỹ thổi phồng và bán cho các nhà đầu tư ở Hoa Kỳ. Phim được kể theo góc nhìn của Dan David, phó chủ tịch công ty đầu tư GeoInvesting. Sau những năm đầu sự nghiệp định hướng nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty Trung Quốc với hứa hẹn lợi nhuận cao, David bắt đầu nhận ra có điều gì mờ ám đang diễn ra và quyết định điều tra để phanh phui sự thật. 

8. Dirty Money (2018)

Loạt phim do Netflix sản xuất này đưa khán giả đi khám phá cách HSBC rửa tiền cho các băng đảng ma túy, cách một tay đua tham gia vào một hoạt động cho vay tiền bất hợp pháp có liên quan đến hàng triệu người Mỹ, và cách mà Volkswagen lừa dối người tiêu dùng trên toàn cầu về việc động cơ diesel của họ thân thiện với môi trường như thế nào.

9. Equity (2016)

Naomi Bishop, một nhân viên ngân hàng đầu tư, đấu tranh để vươn lên đỉnh cao của Phố Wall, trong khi bị Samantha Ryan, một công tố viên theo dõi, nghi ngờ Naomi có liên quan tới các hành vi tham nhũng. Equity là bộ phim đầu tiên từng làm về phụ nữ ở Phố Wall, được đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất và tài trợ bởi phụ nữ, một sự hợp tác giữa những người phụ nữ trong lĩnh vực giải trí và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, những người phụ nữ ngoài đời của Phố Wall, người đã chọn đầu tư vào bộ phim này vì họ muốn thấy câu chuyện của họ được kể trên màn ảnh rộng.

10. Betting On Zero (2017)

Trong Betting On Zero, người khổng lồ của các quỹ đầu tư – Bill Ackman đang trong một cuộc thập tự chinh để vạch trần gã khổng lồ của ngành sản xuất thực phẩm chức năng toàn cầu Herbalife. Bill nghi ngờ Herbalife là mô hình kinh doanh đa cấp lớn nhất trong lịch sử, trong khi đó, các giám đốc của Herbalife một mực tuyên bố rằng Ackman là kẻ thao túng thị trường đang cố gắng để làm Herbalife phá sản.

Là một bộ phim tài liệu, Betting On Zero có lối kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút. Giọng tường thuật của bộ phim rất hay và chuẩn mực, do đó bạn có thể dễ dàng nắm bắt nội dung phim nếu có trình độ từ Intermediate trở lên. Danh sách từ vựng phong phú về đầu tư và thị trường chứng khoán cũng là một điểm nổi bật khác của bộ phim thu hút những người học tiếng Anh.

11. Enron: The Smartest Guys In The Room (2006)

Bộ phim tài liệu này khám phá sự sụp đổ của Enron Corporation, được cho là ví dụ gây sốc nhất về vấn nạn tham nhũng trong kinh doanh. Công ty Enron được cho là có liên quan tới một số chương trình bất hợp pháp, bao gồm việc xúi giục cuộc khủng hoảng năng lượng ở California như một cách để tăng giá điện và kiếm chác trên sự mất mát của người dân Mỹ. Trong một môi trường siêu cạnh tranh, các thương nhân Enron sử dụng tất cả các loại giao dịch ngầm có thể để kiếm tiền bằng mọi giá và giữ công việc lương cao của họ.

12. Saving Capitalism (2017)

Saving Capitalism là một bộ phim tài liệu ra mắt năm 2017, theo chân cựu Bộ trưởng Lao động và Giáo sư Robert Reich để nói về tình trạng hiện tại của hệ thống kinh tế của nước Mỹ, và trình bày ý tưởng về cách “cứu chủ nghĩa tư bản”. Robert Reich gặp gỡ người dân Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội và ghi nhận sự thay đổi của chủ nghĩa tư bản quốc gia. Saving Capitalism theo dõi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ, từ khởi đầu là một hệ thống giúp quốc gia thịnh vượng đến tình trạng hiện tại như một hệ thống coi trọng các tập đoàn hơn người dân. 

13. Becoming Warren Buffet (2017)

Becoming Warren Buffett kể về câu chuyện của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett khởi đầu là một cậu bé đầy tham vọng, bị ám ảnh bởi những con số đến từ Nebraska, và cuối cùng trở thành một trong những người đàn ông giàu có và được kính trọng nhất trên thế giới.

14. Margin Call (2011)

Margin Call bắt đầu tại một công ty đầu tư đang đứng trước giông bão, với 80% nhân viên bị sa thải. Một trong những nạn nhân là Eric, một nhà phân tích rủi ro cao cấp đang trong quá trình nghiên cứu một dự án quan trọng. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, Eric không thấy được rằng thị trường bất động sản được xây dựng trên một nền tảng lung lay thiếu vững chắc. Sau đó, cấp dưới của ông cố gắng hoàn thành công trình phân tích và tìm ra lý do thực sự đằng sau sự sụp đổ tài chính của công ty. 

Margin Call sẽ là một tử thách không hề nhỏ với những người học tiếng Anh. Lượng từ vựng kinh tế lớn, cùng với tốc độ nói tương đối nhanh của dàn diễn viên khiến người xem phải tập trung cao độ để theo kịp diễn biến phim. Bên cạnh đó, phim cũng sử dụng nhiều cách diễn đạt giàu hình ảnh (idiomatic expression) như “spilt milk”, “water under the bridge”, “give somebody some rope”,…

15. Something Ventured (2011)

Something Ventured là một bộ phim tài liệu năm 2011 điều tra sự xuất hiện của chủ nghĩa đầu tư mạo hiểm ở Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Something Ventured kể về câu chuyện của các nhà đầu tư mạo hiểm đã làm việc với các doanh nhân để bắt đầu và xây dựng các công ty như Apple, Intel, Genentech, Cisco, Atari, Tandem và những người khổng lồ trong nền kinh tế khác.

15 bộ phim trong danh sách nói trên chắc chắn sẽ làm thỏa mãn niềm đam mê và hứng thú tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng cũng như niềm yêu thích học tiếng Anh của các bạn. Mong rằng các bạn đã học được nhiều điều bổ ích từ bài viết này, đặc biệt trên phương diện phương pháp và tài liệu học tiếng Anh. Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của eJOY trong series Học tiếng Anh qua phim này nhé!

Tải ngay eJOY eXtension!