Duy trì trình độ tiếng Anh trong môi trường nói tiếng Anh thì khá dễ hiểu rồi nhưng đa phần chúng ta đều bị rơi rụng vốn liếng tiếng Anh do sinh sống và làm việc ở môi trường Không Sử Dụng Tiếng Anh. Vậy chúng ta cần làm gì để tài sản tiếng Anh vẫn ở đó khi chúng ta cần đến nó, như đi du lịch, dạy con học, hoặc cần tìm công việc mới?

3 nguyên tắc quan trọng

Sau khi tham khảo nhiều lời tư vấn và cũng đúc rút từ kinh nghiệm của chính bản thân, mình nhận ra 3 nguyên tắc cần quán triệt:
  1. Khi đã học tiếng Anh đến 1 ngưỡng nhất định (lấy ví dụ là IELTS 6.0) thì việc học tiếng Anh tiếp theo đó trở nên khá dễ dàng, mỗi ngày chỉ cần 1 nỗ lực nhỏ, tích tiểu thành đại. Quan trọng là đều đặn, mỗi ngày 5-15 phút.
  2. Đối với trình độ trung trở lên, học tiếng Anh ko còn là học ở giáo trình nữa, học mọi lúc mọi nơi khi tiếp xúc với tiếng Anh. Chú ý tới cách hành văn của người bản xứ và ghi chép lại những câu văn hay.
  3. Ôn tập nhắc lại ngắt quãng là cách luyện tập tốt nhất để học ít nhớ lâu. Ôn tập theo Spaced Repetition là cách luyện tập mà các nhà giáo dục trên thế giới đề nghị (khoá học Learn how to learn nổi tiếng của Barbara trên Coursera có lý giải điều này)
Điều cần nhớ để duy trì vốn tiếng Anh
3 Điều cần nhớ để duy trì vốn tiếng Anh

2 chướng ngại vật

Tuy nhiên, ko phải cứ nắm được 3 điều trên là có thể duy trì được tiếng Anh vì có 2 trở ngại khiến chúng ta cho dù có ý thức được sự tồn tại của trở ngại nhưng cũng ko tìm ra cách thay đổi được:
+ Thứ nhất là bệnh ngại, lười tra từ điển và ghi chép lại. Ngại ôn lại từ vựng, ôn lại kiến thức…
+ Có quá nhiều thứ hấp dẫn làm ta sao nhãng mục tiêu của mình: facebook, video quảng cáo, tin nhắn, điện thoại .v.v..
Bản thân mình cũng gặp phải 2 trở ngại trên trong nhiều năm sau khi kết thúc khoá học tiếng Anh ở trung tâm. Khi học đến trình độ Advanced, việc học tiếp không làm mình cảm thấy trình độ lên được là bao nên mình đã nghỉ. Nhưng khi nghỉ, việc duy trì ôn luyện tiếng Anh hoàn toàn bị sao nhãng vì mình chỉ thích xem phim, đọc sách, chứ không thích làm bài tập nữa, càng không thích đang xem phim phải mở từ điển ra tra rồi ghi chép lại.  Chính vì thế, nên theo thời gian, vốn từ mới rơi rụng và không được bổ sung thêm cho dù đọc nhiều, nghe nhiều.
Chướng ngại cản trở việc học
2 Chướng ngại cản trở việc học

Công nghệ có giúp được chúng ta duy trì trình độ tiếng Anh?

Đã có những lúc mình ao ước có cách nào đó mà chỉ cần búng tay một cái là tra được từ, búng tay cái nữa là tự động lưu từ vào sổ, và búng thêm một cái là có thể tìm đúng từ vựng ra để nhắc lại cho đỡ quên. Mình đã thử tìm 1 số công cụ như Anki, Quizlet, tuy nhiên vẫn phải dùng tay nhập thông tin khá nhiều.
Nhưng cho đến ngày hôm nay thì mình tự tin là đã có công nghệ biến ao ước thành hiện thực. Đúng là chỉ cần trong 1 giây là có thể tra – lưu – và ôn tập từ vựng thoải mái mọi lúc mọi nơi. Nhờ đó, chúng ta có thể duy trì và nâng cao vốn liếng tiếng Anh một cách dễ dàng mà mỗi ngày chỉ tốn có 5-10 phút. Nếu bạn cần thi IELTS hoặc có mục tiêu nâng trình ngắn hạn thì chỉ cần kéo dài thời gian học mỗi ngày thành 1-2 tiếng.
Quá trình này giống như bạn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Mỗi ngày bạn gửi vào 5 đồng, nghe thì có vẻ nhỏ, ngày nào cũng kiểm tra xem lãi bao nhiêu thì thấy chẳng được thêm là bao. Nhưng theo thời gian gốc đẻ lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, bạn sẽ thấy mình đã tiết kiệm được 1 khoản kha khá. Duy trì học tiếng Anh cũng vậy, tuy mỗi ngày bạn chẳng cảm thấy mình lên được gì nhưng sau 1 năm bạn đã thấy vốn tiếng Anh của mình khác hẳn.
Cụ thể cách duy trì mỗi ngày của mình như sau
** Như bao lời khuyên khác **
Bạn có thể tìm kiếm thấy rất nhiều trên mạng, ở đây mình chỉ viết ra những gì mình làm vì nó phù hợp với mình
  • Nghe bản tin tiếng Anh và đọc báo, tài liệu tiếng Anh đều mỗi ngày. Khi cần tìm hiểu vấn đề nào đó trong công việc, mình đều ưu tiên search Google bằng tiếng Anh
  • Hát theo các bài hát tiếng Anh, nhại theo các bộ phim tiếng Anh mà mình xem (Điều này bản thân mình thấy khá đúng tuy nhiên mình chưa thực hiện được, đó là hãy tham gia các câu lạc bộ luyện nói tiếng Anh để mở rộng môi trường giao tiếp.)
** Có thêm công nghệ hỗ trợ **
  • Mỗi lần xem phim, thấy một câu thoại nào hay mà mình nghĩ là mình sẽ ko tự nói ra được vậy => mình sẽ sử dụng công cụ để chọn và lưu lại trong tích tắc
  • Khi thấy từ vựng mới hay, cảm thấy muốn dùng lại, nhất là các từ vựng trong kinh doanh, mình sẽ sử dụng công cụ để tra từ và lưu lại trong tích tắc
  • Hàng ngày mở máy tính mình sẽ dành ra 5 phút chơi game để luyện lại với từ vựng cũ. Khi ôn luyện mình kết hợp cả viết và nói để thực sự chủ động ghi nhớ từ và quen với cách phát âm từ. Việc tính toán trình tự học từ vựng theo thuật toán Lặp lại ngắt quãng đã có công cụ hỗ trợ, mình chỉ cần ôn theo danh sách mà hệ thống đã tính sẵn cho mình những từ cần phải học ngày hôm nay.
Ứng dụng công nghệ để học tiếng Anh
Ứng dụng công nghệ để học tiếng Anh

Các ứng dụng công nghệ hữu ích

Hẳn các bạn sẽ tò mò công cụ công nghệ nào đã giúp mình thực hiện được tất cả những điều trên. Trong phần này mình sẽ để lại link chia sẻ các ứng dụng để mọi người có thể tham khảo. Do mỗi ngày chỉ dành 5 phút để luyện tiếng Anh nên mình ko sử dụng nhiều ứng dụng để học mà chủ yếu là để giúp mình thực hành, đáp ứng ngay nhu cầu công việc.
Ứng dụng để tra từ, lưu từ, ôn tập từ vựng 
Ứng dụng để kiểm tra lỗi sai chính tả, ngữ pháp
Từ điển: (đặc biệt từ điển mình lại dùng rất nhiều từ điển khác nhau vì mỗi từ điển đáp ứng 1 nhu cầu của mình). Mình đã viết một bài về sự khác biệt giữa các bộ từ điển trực tuyến này.
Một số khoá học viết tiếng Anh miễn phí. (Mọi người có thể đọc chi tiết thông tin về các khoá viết.)

Kết

Bạn đang duy trì trình độ tiếng Anh của mình như thế nào? Đừng đợi đến lúc cần tiếng Anh mới bắt đầu ôn luyện nhé. Hãy nhớ, vốn tiếng Anh giống như vốn tiết kiệm của bạn, đầu tư càng sớm sẽ sinh lời càng cao. Bắt tay vào luyện tập tiếng Anh ngay thôi, và đừng quên chia sẻ suy nghĩ của bạn với mình ở comment box phía dưới. Mình vẫn đọc và phản hồi từng chia sẻ đó.