Như những môn học khác, có nhiều hơn một cách học tiếng Anh. Bạn không phải lúc nào cũng có thể ngồi cố nhồi nhét mớ kiến thức từ sách vở vào đầu. Nhiều lúc việc ấy thật mệt mỏi, mà học chay không thể giúp bạn nói chuyện bằng tiếng Anh tốt hơn, đúng không nào? Vậy tại sao không cho mình thư giãn chút, và ngồi xuống học tiếng Anh qua một bộ phim hay? Qua bài viết này, mình sẽ cùng các bạn học tiếng Anh qua Before Sunrise nhé.

Học tiếng Anh cùng eJOY

Giới thiệu về phim

“Bạn làm gì nếu tìm được người trong mộng của đời mình trên một chuyến tàu, rồi sau vài phút trò chuyện sẽ phải xuống sân ga và chắc hẳn không bao giờ còn gặp lại?

Jesse và Celine đã gặp nhau như thế.

Và họ đủ điên để chia sẻ một đêm với một người hoàn toàn xa lạ ở Vienna, cùng nhau khám phá những điều kỳ lạ ở thành phố cổ kính nhất châu Âu, khám phá người kia cũng như khám phá chính bản thân mình.

Rồi ngay buổi sáng hôm sau, Jesse sẽ trở lại Mỹ, còn Celine phải quay về Paris để tiếp tục cuộc sống thường nhật.”

(trích review bộ ba phim Before của blacksnow308)

Học tiếng Anh qua Before Sunrise

Before Sunrise là bộ phim đầu tiên trong chuỗi 3 phim Before Sunrise – Before Sunset – Before Midnight của đạo diễn Richard Linklater. Ra mắt năm 1994, phim kể về Jesse và Celine, hai con người tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu xuyên Âu. Họ bắt chuyện với nhau, nhận ra đối phương là một con người thú vị, và trong một phút bất chợt, họ quyết định sẽ cùng nhau xuống Vienna để dành một đêm với nhau.

Jesse, một con người mơ mộng ẩn sau lớp vỏ bất cần, và Celine, không kém phần lãng mạn dù còn những băn khoăn về đời, cứ thế cùng dạo quanh Vienna, chia sẻ với nhau những suy nghĩ về đời, về tình yêu, những mẩu chuyện về cuộc sống của mình suốt cả một đêm dài. Ngỡ rằng sẽ không còn gặp nhau lần nào nữa, với suy nghĩ sớm muộn gì cũng phải chia tay, họ thổ lộ với nhau mỗi lúc một nhiều hơn về bản thân.

Được coi là một phim tối giản, không có nhiều diễn biến, không có nút thắt hay cao trào, Before Sunrise chỉ đơn giản là vậy: Hai con người cùng nhau đi dạo qua lòng trái tim châu Âu và trò chuyện. Vì vậy, Before Sunrise là một lựa chọn phù hợp cho việc học tiếng Anh qua phim, nhất là học hội thoại. Phim không yêu cầu phải bám sát từng diễn biến để giải mã một bí ẩn nào, bạn chỉ cần ngồi và theo dõi câu chuyện mà Jesse và Celine trao đổi với nhau thôi.

Học được gì qua Before Sunrise

1. Học kỹ năng giao tiếp, nghe – nói

Là một phim với nhiều lời thoại, chỉ cần chú ý lắng nghe, bạn có thể nghe được nhiều từ vựng và cấu trúc dùng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ vậy, lắng nghe còn có thể khiến kỹ năng nghe tiếng Anh trong giao tiếp được cải thiện.

Không chỉ vậy, Jesse và Celine là những nhân vật được xây dựng rất thật và gần gũi. Với diễn xuất ăn ý giữa Ethan Hawke và Julie Delpy, bạn không thể không đồng cảm với ít nhất một trong hai người, thậm chí muốn thử bắt chước cách nói chuyện của họ. Bắt chước theo thoại phim là một trong những cách luyện nói hiệu quả. Không chỉ đặt những câu nói vào ngữ cảnh, khi bắt chước, bạn còn có thể nhận ra sự khác biệt về tông giọng hay cách biểu đạt nữa.

2. Học các cụm từ

Collocations là tổ hợp các từ riêng biệt, và, trong nhiều trường hợp, là đặc trưng riêng của ngôn ngữ. Khác với các cấu trúc ngữ pháp thông thường, collocations ít được dạy qua sách vở. Mặc dù vậy, chúng có tính ứng dụng cao, dùng trong cả văn bản học tập, báo chí lẫn hội thoại hàng ngày. Do vậy, khi bạn để ý tới chúng trong một phim nhiều thoại, bạn sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa và cách dùng của chúng, cũng như nhớ chúng tốt hơn là học chay.

Mặt khác, nhiều phim có sử dụng slangs. Giống như tiếng Việt có những từ, câu chỉ dùng riêng trong văn nói, tiếng Anh cũng có những từ như vậy. Chúng có thể là một từ lóng xuất hiện trong một cộng đồng rồi được phổ biến trong văn hóa nói tiếng Anh, hoặc một nghĩa lóng không có trong từ điển của một từ nào đó. Khác với collocations, slangs chỉ thích hợp trong giao tiếp phổ thông, nhưng là một phần quan trọng trong học tiếng Anh giao tiếp.

Để thuần thục trong giao tiếp phổ thông, bạn sẽ cần phải biết những collocation và slang này. Và học tiếng Anh qua Before Sunrise chính là một phương pháp hiệu quả.

3. Học viết kịch bản

Các phim của Richard Linklater, cũng như Noah Baumbach – một nhà làm phim cùng thời, thường được đánh giá cao ở mặt kịch bản, chủ yếu ở lời thoại. Hầu hết phim của họ khá tối giản, chỉ tập trung vào những giao tiếp thường ngày giữa con người với nhau. Do vậy, xem phim của họ không chỉ khiến bạn giao tiếp tốt hơn. Nếu bạn tình cờ muốn trở thành một nhà làm phim, bạn có thể tham khảo Before Sunrise để hiểu cách viết thoại tiếng Anh thêm thật, mượt mà và trơn tru.

Cách học tiếng Anh qua Before Sunrise

Dù không phải lấy sách vở để “tụng kinh”, muốn nâng cao trình độ tiếng Anh qua phim vẫn cần có nỗ lực thay vì chỉ ngồi không trước màn hình xem phim từ đầu đến cuối. Cụ thể hơn, bạn cần:

  • Xem toàn bộ một tập phim trước, sử dụng Engsub, song ngữ hoặc Vietsub tùy vào khả năng nghe của riêng bạn. Đây là lúc bạn làm quen với toàn bộ tập phim, chính vì thế hãy “tạm quên” đi việc học tiếng Anh và tận hưởng bộ phim bạn nhé. Nếu bạn xem phim với phụ đề song ngữ hoặc tiếng Anh thì hãy nhớ tra và lưu lại từ mới nhé.
  • Chọn những đoạn hay hoặc dễ nghe để học. Đây là lúc việc học tiếng Anh bắt đầu. Đối với người ở trình độ mới bắt đầu, bạn nên chọn những đoạn dễ nghe và có câu từ đơn giản, dễ hiểu để bắt đầu học. Nếu bạn thuộc trình độ Intermediate rồi thì hãy xem những đoạn hay mà mình yêu thích. Những đoạn hay ở đây có thể là những đoạn có nhiều cấu trúc từ mới, hay là những đoạn giao tiếp tự nhiên mà bạn muốn tham khảo kỹ hơn để cải thiện cách nói của mình. Sau đấy thì luyện tập auto-pause, nói nhại theo từng câu trong đoạn phim cho tới khi thành thạo
  • Xem lại và tự ôn luyện để nhớ kiến thức lâu hơn. Lần xem lại này bạn chỉ nên xem với phụ đề song ngữ hoặc tốt nhất là tiếng Anh để kiểm tra mức độ nghe hiểu của mình. Việc ôn tập từ đã lưu trong các đoạn phim sau đấy cũng rất cần thiết để bạn ghi nhớ và thành thạo cách sử dụng các từ vựng đó. Nếu không ôn tập từ vựng, bạn sẽ nhanh chóng quên những gì đã học ở tập phim trước khi bạn chuyển sang học tiếp với tập phim tiếp theo.

Tuy nhiên, đang xem mà phải dừng lại để giở từ điển quả là ngắt mạch phim đúng không nào? Một bí quyết nho nhỏ để hiểu ý nghĩa cụm từ khi xem phim là sử dụng eJOY eXtension. Không chỉ tích hợp với Phimlearning, bạn còn có thể tra từ mới khi đang xem phim hay video trên YouTube, Netflix hay iflix mà không phải mở một tab khác.

Các bạn có thể đọc thêm bài viết Học tiếng Anh qua phim – Hướng dẫn từ A-Z để hiểu rõ hơn về các bước học qua phim.

Vừa xem Before Sunrise vừa học tiếng Anh với eJOY eXtension
Bạn có thể tra cấu trúc mới trong lúc xem phim

Tải eJOY eXension miễn phí ở đây

Để tra nghĩa cả cụm từ, bạn ấn giữ phím Alt (Window) hoặc Option (Mac) rồi dùng chuột click từng từ trên phụ đề. Thêm nữa, bạn có thể lưu cụm từ đó lại để luyện tập thêm.

Đương nhiên, bạn không phải nhớ thoại cả phim. Chỉ cần luyện những phân đoạn nhỏ từng chút một là bạn có thể thấy khả năng dùng tiếng Anh dần dần được phát triển thêm.

Bạn có thể tham khảo bài viết Học tiếng Anh qua phim – Hướng dẫn học từ A-Z để hiểu rõ hơn các bước học nhé.

Dưới đây, chúng mình có lựa chọn một số các cụm từ bạn có thể gặp ở ngoài đời trong Before Sunrise, bạn có thể tham khảo thêm nhé.


Xem thêm:


Các cụm từ hay dùng trong Before Sunrise

1. Khi Jesse & Celine gặp gỡ trên tàu

  • One’s mind goes blank

Ý nghĩa và cách dùng:

Trong đoạn này, Jesse đang kể về một lần anh cố thử học nói tiếng Pháp. Anh tự nhẩm lại một câu nói, nhưng khi đứng trước người anh cần nói thì “my mind goes completely blank

Mind goes blank là cách diễn đạt khi mình định nói hay làm gì đó thì bỗng nhiên quên mất điều đó là gì.

Ví dụ:

You need to come because… because… , I’m sorry, my mind’s just gone blank. (Cậu cần đến bởi vì… vì…, tớ xin lỗi, tớ cũng không nhớ nữa.)

I’d been studying for weeks, and yet, when I looked at the papers, my mind went completely blank. (Tôi mất công học hàng tuần, vậy mà khi tôi nhìn bài thi, đầu óc tôi trống rỗng.)

  • (amount of time) on end

Ý nghĩa và cách dùng:

Khi một việc diễn ra trong một khoảng thời gian on end, việc đó diễn ra liên tục, không dừng trong suốt quãng thời gian đó.

Ví dụ:

I feel like I can talk to him hours on end. (Tớ cảm giác tớ có thể trò chuyện cùng anh ấy hàng giờ không ngừng nghỉ.)

She spent years on end finding the treasure. (Cô ấy dành hàng năm trời tìm kiếm kho báu.)

  • What a drag

Ý nghĩa và cách dùng:

Khi Celine nhắc Jesse chuyến tàu đã đến Vienna, Jesse cảm thán “Yeah. What a drag.

Đây là một câu cảm thán (hơi cũ), sử dụng để than vãn về một việc gì, thường việc đó làm gián đoạn một hành động khác mà mình thích, hoặc việc đó tốn nhiều công sức.

Ví dụ:

The party’s over? What a drag! (Tiệc tàn rồi sao? Chán thế!)

My superintendent told me he was coming over to check how I live, now I have to make something for dinner. What a drag! (Giám hộ vừa bảo tôi ông ấy sẽ ghé qua để xem nhà cửa thế nào. Giờ tôi lại phải nấu gì cho bữa tối, mệt ghê!)

2. Khi Jesse & Celine cùng nhau dạo phố rồi vào một cửa hàng đĩa nhạc

  • To do something for a change

Ý nghĩa và cách dùng:

Khi họ gặp 2 người Áo và hỏi họ có nói tiếng Anh không, một trong 2 người đùa, “Could you speak German for a change?

Cấu trúc này có nghĩa làm một việc gì khác so với hành động thường làm. Ở trong trường hợp này, người nói có ý đùa rằng khi khách du lịch đến một nước khác, người ta thường hỏi xem người bản địa có nói tiếng Anh không, thay vì học ngôn ngữ của nước họ sẽ đặt chân đến.

Ví dụ:

How about eating out for a change? (Hay là thử ăn ngoài xem sao.)

Can you please for once arrive on time for a change? (Cậu làm ơn đến đúng giờ một lần được không?)

  • To have a crush on someone

Ý nghĩa và cách dùng:

Ý nghĩa của cụm này là có tình cảm, thường thì không sâu sắc hoặc thoáng qua, với một ai đó.

Ví dụ:

I think I have a crush on her. (Tôi nghĩ tôi cảm nắng cô ấy.)

Kate has been having a crush on Tony for years. (Kate thầm thích Tony bao nhiêu năm rồi.)

  • Hit me

Ý nghĩa và cách dùng:

Celine và Jesse chơi trò hỏi và trả lời thành thật với nhau ở trên xe điện. Khi tới lượt Celine hỏi, Jesse nói “Hit me.

Khi chỉ nói “Hit me”, câu này có thể là chấp nhận lời đề nghị tham gia vào một việc gì đó, đề nghị được chia bài, hoặc yêu cầu thêm đồ uống. Jesse có ý nói Celine thích hỏi gì cứ hỏi.

Ví dụ:

Waiter, hit me with one more round of scotch! (Ê bồi, thêm một chầu scotch nữa!)

You’re gonna ask me questions? Alright then, hit me! (Định hỏi tôi hả? Ok, có gì hỏi đi.)

  • To piss sb off và to drive sb crazy

Ý nghĩa và cách dùng:

Jesse hỏi Celine: “Okay, tell me something that really pisses you off, really drives you crazy.”

Trong khi “piss sb off” chỉ là khiến ai đó khó chịu, bực bội; “drive sb crazy” cũng có nghĩa như vậy nhưng ở mức độ cao hơn, khiến ai đó phát điên lên.

Từ cụm “piss sb off”, trong văn nói, khi nói về ai đang bực tức, cũng có thể sử dụng tính từ “pissed off” hoặc “pissed” thay cho “angry

Ví dụ:

The car repairman near my house keeps blasting music all afternoon. It pisses me off. (Thằng sửa xe gần nha tôi cứ bật nhạc to hết cỡ cả chiều. Thật bực mình!)

Stacy, my brothers’ crazy inventions are driving me crazy! (Stacy, mấy phát minh điên rồ của 2 thằng em tớ khiến tớ phát khùng!)

  • To lose one’s temper

Ý nghĩa và cách dùng:

Câu này có thể là khó chịu hoặc mất kiên nhẫn.

Ví dụ:

What do you mean I lost my temper? I was calm (Ý mấy người là sao, bảo tôi mất bình tĩnh? Tôi đã bình tĩnh đấy nhé)

He usually loses his temper when he gets behind the wheel. (Khi lái xe, anh ta thường mất bình tĩnh.)

3. Khi Jesse & Celine cùng dạo phố đêm

  •  To take pride in doing sth

Ý nghĩa và cách dùng:

Cụm này đồng nghĩa với “To be proud of sth” hay “To pride oneself on sth”, tức là lấy điều gì mà tự hào.

Ví dụ:

She takes pride in her ability to speak in multiple languages. (Cô ấy tự hào về khả năng nói nhiều thứ tiếng của mình.)

I take pride in knowing a lot about history. (Tôi tự hào với hiểu biết lịch sử của mình.)

  • To crash a party

Ý nghĩa và cách dùng:

Jesse coi chuyện anh sinh ra ngoài dự định của bố mẹ mình “like I was crashing the big party”.

The big party” hàm ý chỉ cuộc đời. Còn cụm “to crash a party” có nghĩa là tham gia một buổi tiệc mình không được mời đến.

Ví dụ:

Man, Sheila was furious when Odeya crashed her party last night. (Chà, Sheila tức điên khi Odeya đến tiệc của cô ấy tối qua khi không được mời.)

Crashing parties sounds like something a douche would do. (Chỉ có mấy đứa không tử tế mới ló mặt đến tiệc người khác dù không được mời.)

  • To resign oneself to sth

Ý nghĩa và cách dùng:

Bà đồng khi bói tay cho Celine nói với cô rằng, “But you need to resign yourself to the awkwardness of life.”

Cụm này có nghĩa là ai đó phải chấp nhận rằng họ sẽ phải trải qua hay chịu đựng chuyện gì.

Ví dụ:

I’ve resigned myself to the fact that I’ll probably die alone. (Tôi đã chấp nhận chuyện tôi có thể sẽ chết một mình.)

The common man, as you can see, has resigned himself to living in mediocrity. (Một người mình thường, như bạn có thể thấy, đã chấp nhận sống một cuộc đời tẻ nhạt.)

  • To take sb/sth seriously

Ý nghĩa và cách dùng:

Jesse nói với Celine về lời phán của bà đồng, “But I hope you don’t take that anymore seriously than some horoscope in a daily syndicated newspaper.”

Cụm này có nghĩa coi ai đó/ một điều gì đó nghiêm túc.

Ví dụ:

You need to start to take life seriously. (Cậu cần bắt đầu coi trọng cuộc sống.)

He keeps talking like that and I won’t be able to take him seriously. (Cậu ấy cứ nói như vậy thì tôi sẽ không thể coi cậu ấy nghiêm túc được nữa.)

  • To put sb out of business

Ý nghĩa và cách dùng:

Đây là cách diễn đạt về việc khiến một công ty, tập đoàn,… nào đó phá sản.

Ví dụ:

I hope this tariff and embargo can at least put ZTE out of business. (Tôi mong thuế nhập khẩu này cùng lệnh trừng phạt ít ra cũng khiến ZTE phá sản.)

Ngoài ra, phim còn xuất hiện những cụm từ thông dụng khác, như

  • To do/give sb a favor”: Có nghĩa là giúp đỡ ai
  • To be out of one’s mind”: Có nghĩa là điên, mất trí
  • To get over sth/sb”: Có nghĩa là hồi phục, vượt qua việc gì; hoặc không còn nghĩ đến một ai đó mà mình đã chia tay
  • To fall for somebody”: Có nghĩa là yêu ai,…

Lời kết

Ở trên mới là một vài cụm từ mình bắt gặp ở 3 trích đoạn mình nhớ nhất phim. Nhưng ngần đó cũng đủ để bạn thấy một cuộc hội thoại ngắn cũng sử dụng kha khá những lối diễn đạt hữu dụng mà không phải sách nào cũng dạy, đúng không nào?

Vậy tại sao bạn không thử dành chút thời gian và học tiếng Anh qua Before Sunrise nhỉ? Biết đâu bạn lại tìm được một chi tiết đắt giá, hay một câu thoại tâm đắc với những cụm từ mới và hay đó. Cứ dành một khoảng thời gian để xem phim là dần dần bạn cũng có thể tích lũy được một lượng lớn từ vựng trong giao tiếp đấy.

Trong quá trình luyện tập, bạn nên dùng eJOY eXtension lưu lại để ôn tập nhé. Chưa kể, eJOY còn có Game center để bạn luyện lại các cấu trúc này hàng ngày, nên bạn sẽ không bị quên mất chúng.

Hãy cùng xem Before Sunrise để học được thêm các cấu trúc và từ mới hay cũng như rèn luyện khả năng giao tiếp cùng eJOY nhé. Nếu bạn thích bộ phim, hãy cho chúng mình biết đoạn phim bạn thích nhất ở dưới comment nhé.