Học Tiếng Anh Cùng The Big Bang Theory Qua 4 Đoạn Phim Thú Vị

Một trong những trở ngại của chúng ta khi nghĩ đến việc học tiếng Anh là ngại học. Nhưng tại sao chúng ta không biến việc học tiếng Anh thành một hoạt động vui vẻ nhỉ? Học tiếng Anh qua phim chẳng hạn, bạn đã thử chưa? Mình là đứa cực nghiền những bộ phim hài, bởi chúng giúp mình thư giãn và quên đi mọi mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Nên mình hay kết hợp vừa xem phim vừa học tiếng Anh luôn. Một trong những series phim mình thích xem nhất là The Big Bang Theory. Chính nó đã giúp mình có thêm cảm hứng học tiếng Anh rất nhiều. Vậy mình đã học cùng The Big Bang Theory như thế nào? Chúng ta hãy khám phá những điều hay ho từ việc học tiếng Anh cùng The Big Bang Theory nhé!

Học tiếng Anh cùng eJOY

Giới thiệu về The Big Bang Theory

Trước khi đi sâu vào việc học, mình muốn giới thiệu sơ qua đôi chút về series phim đình đám này. The Big Bang Theory được dịch theo nghĩa tiếng Việt là Vụ Nổ Lớn. Tên nghe oách vậy thôi chứ thực ra nó là một sitcom của Mỹ xoay quanh cuộc sống hằng ngày của một nhóm bạn thân và những tình huống dở khóc dở cười mà họ thường xuyên gặp phải.

4 Đoạn hội thoại học giao tiếp trong The Big Bang Theory
The Big Bang Theory xoay quanh cuộc sống hằng ngày của một nhóm bạn thân

Đấy là về 4 chàng trai mọt sách thường dành thời gian cho những dự án khoa học, mê chơi điện tử, xem phim khoa học viễn tưởng và đọc truyện tranh. Cả bốn anh chàng đều không hề có khả năng kết bạn, tán gái. Cho đến khi cô nàng hàng xóm xinh đẹp Penny chuyển tới sống gần đó thì mọi chuyện đều thay đổi.

Các tình huống trong phim đều rất gần gũi và hài hước, các diễn viên sử dụng lời thoại đơn giản, rõ ràng. Thế nên đây quả thực là một series phim phù hợp cho những ai đang muốn học tiếng Anh giao tiếp.

Bạn học được gì qua The Big Bang Theory?

1. Kỹ năng nghe-nói

Với việc học tiếng Anh cùng The Big Bang Theory, bạn sẽ có cơ hội cải thiện kỹ năng nghe và nói của mình một cách hiệu quả. Bởi những đoạn hội thoại trong phim đều khá thân thiết và gần gũi với cuộc sống đời thường. Chính điều này sẽ giúp bạn học cách người bản xứ giao tiếp với nhau, cách họ biểu đạt ngôn ngữ hình thể lúc trò chuyện hay cách họ dùng ngữ điệu trong những ngữ cảnh nhất định.

2. Từ vựng và ngữ pháp

Một lợi ích không hề nhỏ của việc học tiếng Anh qua các bộ phim sitcom nói chung là chúng ta học được một lượng lớn từ vựng và cấu trúc ngữ pháp đơn giản nhưng không kém phần hữu dụng trong việc giao tiếp. Tất nhiên, riêng với The Big Bang theory, thi thoảng bạn sẽ bắt gặp những cụm từ mang tính khoa học, chuyên môn cao nhưng những từ vựng đó không xuất hiện quá nhiều. Bạn nên tập trung vào những từ vựng mà nhóm bạn thường xuyên sử dụng lúc chuyện trò hay đối thoại hằng ngày. Học từ vựng theo bối cảnh luôn là cách tối nhất nếu bạn muốn làm chủ vốn từ của mình.

3. Văn hóa nước Mỹ

Nhờ việc xem The Big Bang Theory mà mình đã có thêm không ít hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Mỹ. Mình biết thêm sự tự do, phóng khoáng và thẳng thắn của người Mỹ từ cách họ trò chuyện với bố mẹ, bạn bè và cả người bạn đời của mình. Mình biết thêm về những ngày lễ, những nghi thức tôn giáo, cách xưng hô, cư xử hay cả những thói quen, hành động thường ngày của người dân Mỹ. Và đặc biệt, bạn còn học được cả lối nói đùa cực kỳ hài hước, dí dỏm mà họ hay dùng nữa đấy.

4. Những bài học về tình bạn, tình yêu và cuộc sống

Với The Big Bang theory, bạn sẽ không chỉ được học những kiến thức về nước Mỹ, những kỹ năng tiếng Anh quan trọng, mà còn nhận được nhiều bài học ý nghĩa về tình bạn, tình yêu và cuộc sống. Bạn học được cách những người bạn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, cách họ giải quyết những mâu thuẫn, cách họ nhìn cuộc đời với một thái độ vui vẻ, lạc quan dẫu mọi thứ có đang tệ như thế nào đi chăng nữa…

Cách học tiếng Anh qua The Big Bang Theory

Học tiếng Anh qua phim là một trong nhiều phương pháp học tiếng Anh và cũng như những phương pháp học khác, nó đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian và có một chiến lược phù hợp.

Riêng với mình, mình đã học tiếng Anh cùng The Big Bang Theory theo những bước sau:

  • Xem toàn bộ một tập phim trước, sử dụng Engsub, song ngữ hoặc Vietsub tùy vào khả năng nghe của riêng bạn. Đây là lúc bạn làm quen với toàn bộ tập phim, chính vì thế hãy “tạm quên” đi việc học tiếng Anh và tận hưởng bộ phim bạn nhé. Nếu bạn xem phim với phụ đề song ngữ hoặc tiếng Anh thì hãy nhớ tra và lưu lại từ mới nhé.
  • Chọn những đoạn hay hoặc dễ nghe để học. Đây là lúc việc học tiếng Anh bắt đầu. Đối với người ở trình độ mới bắt đầu, bạn nên chọn những đoạn dễ nghe và có câu từ đơn giản, dễ hiểu để bắt đầu học. Nếu bạn thuộc trình độ Intermediate rồi thì hãy xem những đoạn hay mà mình yêu thích. Những đoạn hay ở đây có thể là những đoạn có nhiều cấu trúc từ mới, hay là những đoạn giao tiếp tự nhiên mà bạn muốn tham khảo kỹ hơn để cải thiện cách nói của mình. Sau đấy thì luyện tập auto-pause, nói nhại theo từng câu trong đoạn phim cho tới khi thành thạo
  • Xem lại và tự ôn luyện để nhớ kiến thức lâu hơn. Lần xem lại này bạn chỉ nên xem với phụ đề song ngữ hoặc tốt nhất là tiếng Anh để kiểm tra mức độ nghe hiểu của mình. Việc ôn tập từ đã lưu trong các đoạn phim sau đấy cũng rất cần thiết để bạn ghi nhớ và thành thạo cách sử dụng các từ vựng đó. Nếu không ôn tập từ vựng, bạn sẽ nhanh chóng quên những gì đã học ở tập phim trước khi bạn chuyển sang học tiếp với tập phim tiếp theo.

Bạn cũng có thể đọc qua bài viết về Cách học tiếng Anh qua phim – Từ A-Z để hiểu chi tiết cách thực hiện từng bước một. Mình tin rằng nếu bạn kiên trì thực hiện những bước trên để luyện tiếng Anh khi xem The Big  Bang theory thì bạn sẽ thấy khả năng tiếng Anh của mình tiến bộ hơn rõ rệt.

Mình có chia sẻ ở dưới một số cảnh phim khá hay trong The Big Bang Theory và những từ vựng/ cấu trúc mình học được từ chúng. Để học tốt nhất thì mình gợi ý các bạn xem phim phụ đề song ngữ tại phimlearning.com và cài eJOY eXtension vào Chrome để Tra từ/cụm từ ngay khi xem phim và lưu từ để luyện tập.

Tải eJOY eXension Miễn Phí

Bạn có thể tham khảo và áp dụng cách mình học vào việc luyện tập với những cảnh phim mà bạn yêu thích nha!

Đọc thêm “5 Đoạn Hội Thoại Học Giao Tiếp Trong How I Met Your Mother”

Những đoạn hội thoại đặc sắc trong phim

1. Sheldon & Leonard làm quen cô hàng xóm mới (Tập 1, mùa 1 – Pilot)

Invite somebody over

Ý nghĩa và cách dùng:

Trong đoạn phim, lúc Sheldon và Leonard gặp Penny – cô hàng xóm mới. Sau khi làm quen, Leonard về nhà và nói với Sheldon “I think we should be good neighbors.
Invite her over, make her feel welcome.” (Tớ nghĩ chúng ta nên là những người hàng xóm thân thiện, mời cô ý qua chơi, khiến cô ý cảm thấy được chào đón). “Invite someone over” có nghĩa là mời ai đó đến nhà chơi. Thường thì sau “invite someone over” sẽ là cụm từ như “for lunch, for dinner, for coffee,…” – Bạn có thể hiểu là mời người khác đến nhà dùng bữa hay uống cafe.

Ví dụ:

  • Leonard: I’m gonna invite her over. We’ll have a nice meal and chat. (Tớ sẽ mời cô ý qua chơi. Rồi chúng ta sẽ dùng bữa và trò chuyện).
  • I think I’ll invite him over for coffee this weekend. (Mình nghĩ mình sẽ mời anh ấy qua uống cafe vào cuối tuần này)

Make yourself at home

Ý nghĩa và cách dùng:

Penny chấp nhận lời mời qua căn hộ của Sheldon và Leonard ăn trưa. Sau khi vào nhà, Leonard có bảo Penny là hãy “make yourself at home” (hãy cứ tự nhiên như ở nhà nhé).

“Make yourself at home” là một cụm từ thường được dùng khi ai đó đến nhà bạn chơi và bạn không muốn họ thấy ngại hay không thoải mái.

Ví dụ

  • Hey Ken, sit down and make yourself at home. (Này Ken, ngồi xuống đi và cứ tự nhiên)
  • Come in and make yourself at home! I’m just finishing up a few things in the kitchen. (Vào đi, cứ tự nhiên như ở nhà nhé. Tôi đang làm nốt một vài việc trong bếp)

Make one’s point

Ý nghĩa và cách dùng

Sheldon nói “I could go on, but I think I’ve made my point.” (Tớ có thể nói tiếp nhưng tớ nghĩ tớ vừa nói rõ ý của tớ rồi) sau khi anh chàng trình bày một lô một lốc những lý thuyết của mình về việc cái chỗ anh ngồi là chỗ thích hợp nhất, và không được ai ngồi vào đấy, trừ anh.

Cụm từ “make one’s point” được sử dụng khi bạn muốn diễn đạt làm việc gì đó quan trọng hoặc nêu rõ quan điểm, ý kiến về vấn đề nào đó.

Ví dụ

  • They were all talking so loudly I didn’t get a chance to make my point. (Bọn họ nói chuyện quá to khiến tôi chẳng thể có cơ hội để nói hết quan điểm của mình được)

Wind up

Ý nghĩa và cách dùng

Cụm từ wind up có nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh sử dụng. Trong cảnh phim này, Penny dùng từ “wind up” khi cô giới thiệu về mình “It’s about this sensitive girl who comes to L.A. from Lincoln, Nebraska to be an actress and winds up a waitress at The Cheesecake Factory.” (Câu chuyện là về một cô gái nhạy cảm từ Lincoln, Nebraska đến L.A để làm diễn viên nhưng rốt cục lại biến thành nhân viên bồi bàn tại The Cheesecake Factory). Trong trường hợp này, “wind up” được dùng như một hành động chỉ đích đến. Theo sau “wind up” là một kết quả, một địa điểm, đích đến hoặc một tính huống nào đó.

Ví dụ

  • If you aren’t careful lifting weights, you could wind up hurting yourself. (Nếu không nâng tạ cẩn thận, cậu có thể bị thương đó)

2. Sheldon trò chuyện với Penny (Tập 17, Mùa 1 – The Tangerine Factor )

Do you have a second?

Ý nghĩa và cách dùng

Penny hỏi Sheldon “Do you have a second” (Ê, cậu có rảnh không?), khi cô muốn nói chuyện với anh. Cụm từ này được dùng khi bạn muốn hỏi xem ai đó có đang rảnh không (thường thì để nói chuyện hoặc làm gì đó). Trong tiếng Việt, nếu là bạn bè thân thiết thì chúng ta thường dùng “Cậu có rảnh không” hoặc “Cho xin vài giây được không?”, nếu lịch sự hơn, sẽ là “Bạn có thời gian không?”.

Ví dụ

  • Hey, do you have a second? (Này, cậu có rảnh không?)
  • Yes, what’s up? (Có, sao thế?)
  • Well, can you help me with this exercise? (Umm, cậu giúp tớ với bài tập này được chứ?)

Here is the thing

Ý nghĩa và cách dùng

Người ta thường dùng “Here is the thing” khi muốn bắt đầu một cuộc hội thoại, hay tiếp cập ai đó. Ngoài ra nó cũng thường được dùng trước khi họ đi thẳng vào vấn đề chính. Penny nói “Okay, here is the thing” (Được rồi, chuyện là vầy) và sau đó bắt đầu nói về vấn đề của mình với việc Leonard mời cô đi chơi (được xem như một buổi hẹn hò).

Ví dụ

  • Here is the thing, I want to travel the world but I don’t have much money (Chuyện là vầy, tớ muốn đi du lịch vòng quanh thế giới nhưng tớ lại chẳng có nhiều tiền).
  • Okay, here is the thing, yesterday Mike proposed to me and I said no (Được rồi, chuyện là thế này, ngày hôm qua Mike cầu hôn tớ và tớ đã từ chối).

Have a crush on somebody

Ý nghĩa và cách dùng

Penny nói với Sheldon “So I’ve known for a while now that Leonard has had a little crush on me…” (Tớ cũng đã biết việc Leonard có phải lòng tớ chút ít được một thời gian rồi).

“Have a crush on somebody” được hiểu là phải lòng ai đó, hay với ngôn ngữ giới trẻ thì là cảm nắng, say nắng ai đó.

Ví dụ

  • I’ve had a crush on him for years, even though I know he has a girlfriend (Tớ đã cảm nắng anh ấy nhiều năm trời rồi dù tớ biết anh ấy đã có bạn gái)
  • I had a big crush on a girl right before I graduated (Tớ đã rất rất phải lòng một cô gái ngay trước khi tốt nghiệp)

I don’t get the point

Ý nghĩa và cách dùng

“Get” trong lối nói thường ngày còn có nghĩa là hiểu, còn “point” là vấn đề, ý kiến, quan điểm. Vậy “Get the point” sẽ là hiểu một quan điểm, ý kiến nào đó. Trong đoạn phim, khi Sheldon đưa ra lời khuyên, vẫn như thường lệ, anh sẽ lấy một ví dụ liên quan đến khoa học để giải thích. Và tất nhiên điều này chỉ có thể khiến Penny “câm lặng” vì chẳng hiểu mô tê gì cả. Cô nàng bào, “I’m sorry, I don’t get the point” (Tôi xin lỗi, tôi không hiểu ý anh)

Ví dụ

  • I’ve told him many times not to go out with that woman again but he hasn’t got the point (Tôi đã nói với cậu ấy rất nhiều lần là đừng có hẹn hò với người phụ nữ đó nữa nhưng cậu ấy không hiểu)
  • Yeah, I get the point, Mom – I won’t repeat that mistake anymore (Vâng con hiểu rồi, mẹ à – Con sẽ không lặp lại lỗi ấy lần nữa đâu)

3. Penny và Leonard nói chuyện ở phòng giặt đồ (Tập 20, Mùa 3 – The Spaghetti Catalyst)

Run into each other

Ý nghĩa và cách dùng

Run into nghĩa là gặp ai đó một cách tình cờ. Trong đoạn phim, Penny vô tình chạm trán Leonard ở phòng giặt đồ (khi hai người đã chia tay) và cô định quay ra thì Leonard có nói : “Don’t be silly. We’re neighbors. We’re gonna run into each other. May as well get used to it.” (Đừng ngại. Hàng xóm mà, rồi thì cũng sẽ có ngày chạm mặt nhau. Phải tập quen dần thôi).

Ví dụ

  • Yesterday I ran into my ex at the supermarket (Hôm qua tớ vô tình gặp cô bạn gái cũ khi đi siêu thị)
  • I’m going to the bar now for a while and hope I won’t run into someone I know (Tớ đi đến quán ba một lát và hi vọng sẽ không bắt gặp ai quen ở đấy)

Take someone shopping for something

Ý nghĩa và cách dùng

Khi Penny nói với Leonard về việc mẹ Sheldon muốn nhờ Penny dẫn Sheldon đi mua sắm, cô có dùng câu “She wants me to take him shopping for sheets and towels.” (Bà ấy nhờ em dẫn cậu ta đi mua vài chiếc khăn trải giường và khăn tắm).

“Take someone shopping for something” nghĩa là dẫn/ đưa ai đấy đi mua sắm.

Ví dụ

  • Tomorrow I’m gonna take you two shopping for shoes. (Mai mẹ sẽ đưa hai đứa đi sắm giày mới)

Give someone a heads-up

Ý nghĩa và cách dùng

Khi Penny nói cô ấy sẽ đưa Sheldon đến DisneyLand, Leonard bảo với cô là hãy cho anh biết trước nếu như hôm đó cô định dẫn Sheldon đi ăn thức ăn nhanh. Sau đấy, Leonard có nói một câu “All I’m saying is give me a heads-up.” (Tất cả những gì anh muốn nói là hãy nhớ báo anh biết trước).

Tóm lại thì người ta dùng “give me a heads-up” để chỉ việc báo trước một điều gì sắp xảy ra nhằm giúp họ có thì giờ chuẩn bị hay đối phó.

Ví dụ

  • I want to give you all a heads up that tomorrow we’ll have a very important meeting with our vice president. (Tôi muốn báo cho mọi người biết trước để chuẩn bị là ngày mai chúng ta sẽ có một buổi họp rất quan trọng với phó chủ tịch)

4. Howard trò chuyện với bố vợ tương lai (Tập 23, Mùa 5 – The Launch Acceleration)

Make a commitment

Ý nghĩa và cách dùng

“Make a commitment” là cam kết, hứa hẹn với ai về một điều gì đó.

  • “Make a commitment to do something:” Cam kết làm điều gì đó
  • “Make a commitment to somebody:” Cam kết với ai đó

Lúc đến gặp bố vợ để xin phép hoãn đám cưới (do Howard phải bay vào không gian), Howard có nói là “I’ve made a commitment to Bernadette and to your family and I’ve got a hell of nerve coming in here and demanding that we postpone this thing…” (Con đã cam kết với Bernadette và với gia đình bác và gan con phải to lắm mới đến đây và xin bác trì hoãn việc này).

Ví dụ

  • It’s crazy that people always make the commitment to love someone for a lifetime? (Thật điên rồ khi người ta luôn cam kết là sẽ yêu ai đó trọn đời)

Turn down an opportunity

Ý nghĩa và cách dùng

“Turn down” nghĩa là từ chối, khước từ một điều/ việc gì đó, “turn down an opportunity” là từ chối một cơ hội. Bố của Bernadette khuyên Howard không nên bỏ lỡ cơ hội bay vào không gian – “You can’t turn down an opportunity like this” (Cậu không thể từ bỏ một cơ hội như thế này)

Ví dụ

  • How could you turn down such a fantastic job? (Sao cậu có thể từ chối một công việc tuyệt vời như thế chứ?)
  • She turned down the opportunity to work in Paris. (Cô ấy đã từ chối cơ hội làm việc tại Paris)

Level with somebody

Ý nghĩa và cách dùng

Nói thành thật và cởi mở với ai đó, nói với ai đó sự thật. Khi ai đó nói, “I’m gonna level with you”, nó có nghĩa họ sắp nói một điều gì đó và họ mong bạn sẽ chấp nhận nó như một sự thật. Howard dùng “I’m gonna level with you” khi anh chàng muốn thành thật nói với bố vợ tương lai của mình về việc cậu sợ bay vào vũ trụ.

Ví dụ

  • Level with me, and tell me what you thought of my cake.(Hãy thật lòng với em và nói em nghe anh nghĩ gì về chiếc bánh em làm)
  • I’m going to level with you, OK? I’m not who you think I am (Tôi sẽ thành thật với cậu, được chứ? Tôi không hề là người như cậu vẫn nghĩ đâu)

Lời kết

Vậy là chúng ta vừa phân tích 4 cảnh phim và học được không ít những từ vựng, cấu trúc câu hữu ích đúng không? Giờ là lúc bạn tự chọn cho mình những cảnh yêu thích và luyện tập cùng chúng. Nhớ là phải học tập đều đặn hằng ngày đó nhé! Vì việc thực hành thường xuyên chính là chìa khóa đưa bạn đến với thành công trong việc học tiếng Anh đó.

Trong quá trình học, mình đã sử dụng cả eJOY eXtension, nó là một tiện ích mở rộng của Chrome giúp bạn tra và lưu từ khi xem video trên Youtube, Netflix và khi đọc báo. Chỉ một cú click chuột thôi bạn đã có thể biết được nghĩa của bất kỳ từ nào, chẳng phải mất công mở thêm một tab từ điển online nào cả. Bạn còn hoàn toàn có thể lưu những cấu trúc câu hay ho mà mình vừa học để xem lại sau này.

4 Đoạn hội thoại học giao tiếp trong The Big Bang Theory
Tra cụm từ dễ dàng với eJOY eXtension

À mình học tiếng Anh với The Big Bang Theory trên Phimlearning.com, bởi ở đây phim đã có sẵn phụ đề, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt và mình còn được tự chọn tốc độ nói của các đoạn hội thoại nữa. Điều đặc biệt là bạn có thể dùng eJOY eXtension khi xem phim trên trang này đấy. Thật thuận tiện đúng không?

Giờ thì bạn đã sẵn sàng học tiếng Anh cùng The Big Bang Theory với mình chưa? Đừng quên chia sẻ với mình những cảnh phim bạn thấy hay trong phần bình luận ở dưới nhé!

Tiếng Anh Giao Tiếp
Từ Vựng Tiếng Anh

More:

Bản tin eJOY(28)
Kiến Thức Nền Tảng(8)
Kỹ Năng Tiếng Anh(45)
Lộ Trình Học(32)
Luyện IELTS(41)
Ngữ Pháp(13)
Phát Âm(12)
Sản phẩm(6)
Tiếng Anh Giao Tiếp(158)
Từ Vựng Tiếng Anh(92)

Nội dung bài viết

    Related posts

    featured
    John DoeJ
    ·July 9, 2020

    Cẩm Nang Luyện Nghe Tiếng Anh Cho Người Mới Bắt Đầu

    featured
    John DoeJ
    ·February 29, 2020

    Học Tiếng Anh Hiệu Quả Với TED Talks Trên Điện Thoại

    featured
    John DoeJ
    ·October 2, 2018

    35+ Phần Mềm Học Tiếng Anh Tốt Nhất Theo Nhu Cầu Học

    featured
    John DoeJ
    ·May 22, 2018

    Cách Luyện Nói Tiếng Anh Với Kỹ Thuật Shadowing