Làm Chủ Kỹ năng Paraphrase Trong IELTS

Một trong những kỹ năng quan trọng trong kì thi IELTS là kỹ năng paraphrase. Đặc biệt là với những bạn muốn đạt được điểm cao trong kỳ thi này thì tất nhiên không thể không sử dụng “trợ thủ đắc lực” này. Vậy Paraphrase là gì? Và luyện kỹ năng này như thế nào? Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Paraphrase là gì?

Paraphrase là cách viết lại một cụm từ/ câu hay đoạn văn bằng cách sử dụng những từ ngữ khác sao cho ý nghĩa nguyên bản của cụm hay câu gốc không bị thay đổi. (Hay còn được gọi là “diễn giải lại ý”)

Hãy xem xét ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn.

You need to be fluent in English if you want to study in a foreign country.

>>> If you want to study abroad, English fluency is a necessity.

Bạn sẽ thấy câu thứ 2 (câu đã được paraphrase) đã thay đổi một số cụm từ (abroad thay cho in a foreign country), thay đổi trật tự của mệnh đề ( mệnh đề chứa If chuyển lên trước), thay đổi cấu trúc ngữ pháp (“You need to…” chuyển thành “…a necessity”, “…be fluent in English” chuyển thành “English fluency…”). Và hai câu này đều có ý nghĩa tương đương nhau. Thực ra paraphrase không phải là một cái gì đó xa lạ hay to tát cả, chính những bài tập “Rewrite” (Viết lại câu sao cho nghĩa không thay đổi) mà chúng ta vẫn thường được làm hồi học phổ thông cũng là paraphrase đó. Tuy nhiên bài tập Rewrite thường cho sẵn gợi ý còn paraphrase trong thực tế thì bắt buộc bạn phải tự tư duy để tìm được cách diễn đạt lại sao cho đúng và hay nhất.

Tại sao paraphrase lại quan trọng?

Paraphrase đóng một vai trò quan trọng trong thuyết trình, viết luận hay phỏng vấn tiếng Anh:

  • Paraphrase giúp bạn tránh được các lỗi trùng lặp từ hay đạo văn khi tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau, đồng thời giúp bài viết tránh bị rời rạc, lủng củng, hay bị ngắt quãng giữa chừng bởi những câu trích dẫn (đặc biệt là trong trường hợp lạm dụng trích dẫn)
  • Paraphrase giúp bạn tóm lược nội dung bài nói/ viết một đơn giản và dễ hiểu hơn (trong trường hợp bạn muốn giải thích hay tóm tắt các luận điểm)
  • Bạn có thể tận dụng việc paraphrase lại câu hỏi để có thêm thời gian suy nghĩ câu trả lời (trong trường hợp phỏng vấn, trả lời câu hỏi sau khi thuyết trình,…).

Thành thạo kỹ năng paraphrase không phải là điều dễ dàng, và đặc biệt là khi bạn phải paraphrase những đoạn văn vốn dĩ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vậy với kỳ thi IELTS, kỹ năng này quan trọng như thế nào?

Kỹ năng paraphrase trong IELTS

Trong IELTS, kỹ năng paraphrase là chìa khoá giúp bạn tăng điểm thi của mình. Bởi không chỉ một mà cả bốn phần thi Listening, Writing, Reading, Speaking của IELTS đều cần đến kỹ năng này.

  • Trong phần Writing Task 1 và 2, chúng ta cần paraphrase lại đề bài chứ không thể bê nguyên xi từng câu chữ trong đề bài vào bài viết của mình được.
  • Trong Speaking, việc paraphrase lại câu hỏi khi trả lời sẽ giúp gây ấn tượng tốt hơn với giám khảo bởi điều đó cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn và vốn từ vựng phong phú của bạn. Chẳng hạn như giám khảo hỏi bạn “How often do you exercise?”. Nếu trả lời “I exercise twice a week” tất nhiên sẽ không ấn tượng bằng việc trả lời “I workout twice a week.” (Lúc này “exercise” được đổi thành ‘workout” mà ý nghĩa của câu không thay đổi).
  • Với Listening, bạn cần chuẩn bị tâm lý trước rằng người nói trong đoạn băng sẽ không phát ngôn y như những gì được viết trong tờ đề mà họ sẽ paraphrase lại thông tin để thử thách khả năng nghe, hiểu của bạn. Do đó, để có thể trả lời đúng câu hỏi, bạn phải làm quen với việc diễn đạt lại ý hay một cụm từ sao cho nghĩa không đổi.
  • Reading cũng tương tự như vậy, những thông tin trong các câu hỏi dạng True/False, Yes/No/NG, Gap Filling, hay Multiple Choice thường đã được biến đổi ít nhiều so với thông tin trong bài đọc, yêu cầu thì sinh phải hiểu được câu hỏi lẫn thông tin có trong bài. Nếu bạn không biết cách paraphrase, thì sẽ rất khó để hoàn thành được những câu hỏi này.

Các phương pháp paraphrase

Dưới đây là một số phương pháp paraphrase mà bạn có thể luyện tập và áp dụng trong kỳ thi IELTS nói riêng và trong việc sử dụng tiếng Anh thường ngày nói chung.

1. Sử dụng từ đồng nghĩa

Đây có lẽ là phương pháp paraphrase hay được áp dụng nhất nhưng cũng khó xơi nhất. Bạn nên nhớ rằng tiếng Anh có rất nhiều từ đồng nghĩa, và cách sử dụng những từ đồng nghĩa này lại khác nhau tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Chẳng hạn như từ “big” và “large” đồng nghĩa với nhau nhưng chúng lại có nghĩa không hoàn toàn giống nhau, và sẽ được sử dụng khác nhau trong nhiều trường hợp. Nếu không hiểu rõ cách sử dụng của những từ vựng này, câu văn của bạn có nguy cơ sẽ trở nên cứng nhắc, không tự nhiên. Nhiều lúc những câu văn thiếu tự nhiên sẽ càng tai hại hơn những lỗi sai nhỏ bởi người đọc rất dễ bối rối không biết bạn đang muốn nói về điều gì.

Do đó khi sử dụng các từ đồng nghĩa để paraphrase lại một câu/ đoạn văn, bạn cần chú ý đến ngữ cảnh của từ đó để tìm được từ đồng nghĩa phù hợp nhất. Một trong những cách quen thuộc để tìm từ đồng nghĩa là sử dụng từ điển (thesaurus). Những từ điển loại này sẽ đưa ra một danh sách các từ có ý nghĩa tương đương với từ được tra. Nhưng bạn đừng nên vội vàng lấy bất kỳ một từ nào trong danh sách để thay thế cho từ cần được paraphrase. Trước hết hãy dựa vào ngữ cảnh trong câu/ đoạn để xem xét ý nghĩa của từ cần được paraphrase đã nhé!

Một số cặp từ đồng nghĩa thường dùng trong IELTS (Writing Task 1) mà bạn có thể tham khảo:

  • graph = line graph
  • chart = bar chart
  • diagram = figure
  • shows = illustrates (or ‘compares’ if the graph is comparing)
  • proportion = percentage
  • information = data
  • the number of = the figure for
  • the proportion of = the figure for
  • to produce forecasts = to forecast
  • shows = compares
  • the rest of the world = the world as a whole
  • the rest of the world = worldwide

lưu ý khi dùng từ đồng nghĩa để paraphase

2. Thay đổi trật tự từ/ cụm từ/ mệnh đề

Thay đổi trật tự từ có lẽ là một giải pháp an toàn hơn việc sử dụng từ đồng nghĩa bởi vì từ ngữ được giữ nguyên nên ý nghĩa của câu sẽ không bị thay đổi. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết được từ/ cụm từ nào nên được biến đổi và biến đổi chúng ra sao. Hơn nữa khi thay đổi vị trí của một từ, có thể một số từ khác cũng cần phải biến đổi về từ loại, vị trí,.. để đảm bảo sự chuẩn chỉnh ngữ pháp cho câu mới hình thành. Do đó khi muốn thay đổi vị trí từ ngữ, bạn phải chú ý đến sự liên kết và thống nhất giữa các thành phần trong câu để từ đó có thể nắm bắt được nội dung chính của câu và sắp xếp lại sao cho hợp lý nhất.

Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn thay đổi trật tự từ trong câu:

  • Nếu câu gốc có hai hay nhiều mệnh đề thì hãy thay đổi trật tự của mệnh đề

If they have some help, most people can paraphrase effectively. However, practice is important because paraphrasing is difficult.

>>> “Most people can paraphrase effectively, if they have some help. Paraphrasing is difficult, however, so practice is important.

  • Nếu câu gốc có một tính từ và danh từ, hãy biến đổi tính từ đó thành một mệnh đề quan hệ tính ngữ

“Writing essays can be a challenging task.”

>>> “Writing essays can be a task which is challenging.”

3. Thay đổi cấu trúc ngữ pháp

Khi nói đến việc phải biến đổi cấu trúc ngữ pháp, hẳn nhiều bạn sẽ cảm thấy khá bối rối và cho rằng phương pháp này khó nhằn. Nhưng thực ra biến đổi ngữ pháp trong paraphrase dễ hơn nhiều so với việc biến đổi từ vựng. Hơn nữa, thường thì người đọc vẫn có thể hiểu điều bạn nói khi việc biến đổi về mặt ngữ pháp có gặp chút sai sót nào đó, nhưng nếu bạn dùng sai từ thì dù ngữ pháp có đúng vẫn rất khó để người khác hiểu được bạn đang muốn nói gì.

Có một số cách biến đổi ngữ pháp mà bạn có thể áp dụng như sau:

  • Thay đổi dạng của từ

Chúng ta hoàn toàn có thể thay thế một động từ và một trạng từ thành một cụm danh từ, thay đổi động từ thành danh từ, tính từ thành trạng từ,… Ví dụ:

“He plays the piano well

“He is a good piano player

“He is good at playing the piano”

Ở trong câu trên chúng ta đã chuyển “plays” thành “player”, “playing”, và chuyển “well” thành “good”.

ví dụ paraphasing

  • Biến đổi một mệnh đề thành một cụm từ (và ngược lại)

Bạn có thể biến một mệnh đề phụ thuộc thành một cụm từ khi chủ ngữ của mệnh đề độc lập và mệnh đề phụ thuộc giống nhau. Trong ví dụ dưới đây, “Kim got sick” là một mệnh đề độc lập, “she ate a great deal of fast food” là mệnh đề phụ thuộc còn “Kim/ she” là chủ ngữ. Vì hai chủ ngữ “Kim”“she” tương đương nhau nên chúng ta có thể bỏ chủ ngữ ở mệnh đề phụ thuộc và chuyển động từ sang dạng V-ing để biến đổi mệnh đề thành một cụm danh động từ. Nếu chưa hiểu rõ về mệnh đề độc lập và mệnh đề phụ thuộc, bạn có thể vào đây để xem thêm.

“Kim got sick after she ate a great deal of fast food.”

>>> “Kim got sick after eating a great deal of fast food.”

  • Kết hợp nhiều câu đơn thành câu ghép/ câu phức

Chúng ta cũng có thể kết hợp nhiều câu đơn thành một câu phức, câu ghép hay thành một câu đơn có cấu trúc song song. Ví dụ như:

“Some people believe that logging is a serious problem. They believe that it may lead to the extinction of animal life.”

>>> “Some people believe that logging is a serious problem and it may lead to the extinction of animal life.”

  • Chuyển một câu chủ động thành một câu bị động (và ngược lại)

Một cách để paraphrase dễ dàng hơn đó là chuyển câu chủ động thành câu bị động (hoặc ngược lại). Cách này cũng được sử dụng khá nhiều bởi nó không yêu cầu bạn phải hiểu hết từng từ ngữ và cấu trúc trong câu. Việc bạn cần làm là hoán đổi vị trí của chủ ngữ và tân ngữ đồng thời thay đổi dạng của động từ. Hãy xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn:

People say that global warming is caused by the burning of fossil fuels.”

>>> “Global warming is said to be caused by the burning of fossil fuels.”

People believe that parents should teach their children how to be a positive part of their community.”

>>> “It is believed that parents should teach their children how to be a positive part of their community.”

Đây là dạng thường thấy khi làm bài IELTS Writing task 2 bởi với Writing task trong IELTS, bạn sẽ cần viết bài với văn phong khách quan, trang trọng – và cách này cũng đặc biệt hữu ích khi bạn không chắc chắn về chủ ngữ thực hiện hành động (đấy là lý do vì sao dạng bị động này còn được gọi là câu bị động với chủ ngữ giả).

  • Thay đổi liên từ

Thay đổi liên từ là cách dễ dàng hơn hết bởi việc bạn cần làm duy nhất là tìm một liên từ tương đồng với liên từ trong câu cần được paraphrase. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng các liên từ có nghĩa giống nhau chưa chắc đã được sử dụng như nhau. Ví dụ như hai liên từ “but” và “however” đều mang nghĩa là “tuy nhiên/ thế nhưng” song chúng lại được dùng khác nhau. “However” có thể đứng đầu, giữa hoặc cuối câu và được phân cách với các bộ phận còn lại của câu bằng dấu phẩy trong khi đó “but” lại không đứng đầu câu. Đấy là chưa kể hai từ này còn mang sắc thái không giống nhau. Do đó khi dùng phương pháp này, bạn hãy nhớ điều chỉnh lại câu và từ ngữ sao cho phù hợp với ngữ cảnh và ngữ pháp của câu.

“People tend to put on weight in middle age. However, gaining weight is not inevitable.”

>>> “People tend to put on weight in middle age. Nevertheless, gaining weight is not inevitable.”

  • Thay đổi hình thức viết các con số

Trong một vài trường hợp nếu có xuất hiện con số, bạn có thể thay đổi hình thức viết các con số đó để tránh lặp lại và giúp câu văn thêm đa dạng hơn. Đặc biệt là trong IELTS Writing Task 1 khi đề bài yêu cầu phân tích và so sánh số liệu, phương pháp paraphrase số này cực kỳ hữu ích. Hãy nhớ sử dụng chúng một cách linh hoạt và phù hợp.

Dưới đây là một số ví dụ về biến đổi số bạn có thể tham khảo:

  • Double = two/ twice
  • 72 hours = three days
  • 42 hundred = 4,200
  • Twelve = one dozen
  • One hundred years = one century
  • Five hundred years = half a millennium
  • Thirty years = three decades
  • Twenty = one score
  • One and half hours = 90 minutes

4. Công cụ giúp bạn paraphrase

Hiện nay có khá nhiều công cụ giúp bạn paraphrase nhanh chóng các đoạn văn bản, bài luận hay một bài báo mà không đòi hỏi bạn phải thành thạo kỹ năng này. Dưới đây là một số công cụ mà bạn có thể tham khảo:

  • Paraphrase Tool: Điểm cộng của công cụ này là bạn không cần phải tạo tài khoản hay nhập địa chỉ email, cũng chẳng cần download gì cả. Bạn chỉ đơn giản nhập đoạn văn bản cần paraphrase vào, click vào Capcha và nhấn enter. Ngay tức khắc đoạn văn sẽ được paraphrase lại và hiển thị ở ô bên dưới. Theo trải nghiệm của mình thì công cụ này paraphrase khá sát với nội dung câu gốc, và cũng không tạo ra quá nhiều lỗi nghiêm trọng.
  • Article Rewriter Tool: Giao diện công cụ này khá giống với Paraphrase Tool. Bạn cũng không cần đăng ký hay nhập email để sử dụng. Nhưng thay vì nhấn vào capcha, ở đây bạn cần làm một bài toán nhỏ trước khi nhấn enter.
  • EZ Rewrite: Cũng tương tự như Paraphrase Tool, EZ Rewrite cũng rất dễ sử dụng và không cần để lại email. Tuy nhiên giao diện hiển thị kết quả không được dễ nhìn cho lắm. Các banner quảng cáo thi thoảng làm người dùng thấy khó chịu.

Trên đây là một số phương pháp và công cụ mà bạn có thể áp dụng khi muốn paraphrase. Trong các kỳ thi như IELTS bạn sẽ không có nhiều thời gian để ngồi và suy nghĩ xem nên paraphrase như thế nào. Chính vì thế việc luyện tập kỹ năng này ở nhà là rất cần thiết. Hãy bắt đầu bằng việc thực hành từng phương pháp một và sau đó kết hợp thực hành các phương pháp khác nhau cho đến khi bạn làm chủ được chúng. Những công cụ giúp paraphrase ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn luyện tập chứ tất nhiên khi làm bài thi bạn không thể nhờ vả chúng được mà phải “tự mình bơi” thôi. Hơn nữa những công cụ này thường không chính xác tuyệt đối (nhiều lúc còn có những lỗi sai ngớ ngẩn) vì khi paraphrase đòi hỏi chúng ta phải luôn hiểu rõ ngữ cảnh của câu văn hay đoạn văn trước đã. Bởi thế bạn không thể phụ thuộc hoàn toàn vào chúng khi luyện tập. Nếu cần thêm nhiều ví dụ về paraphrase, một trong những cách hay nhất là so sánh hai mẫu tin tức của hai tờ báo khác nhau về cùng một sự kiện. Bạn sẽ thấy dù nội dung và chi tiết của sự kiện đều giống nhau, nhưng ắt hẳn câu từ sẽ được viết khác nhau. Việc này vừa giúp bạn có thêm ý tưởng về việc paraphrase lại vừa có cơ hội tiếp xúc với những ví dụ thực tế nhất.

Kỹ năng Paraphrase chỉ là một trong rất nhiều kỹ năng mà bạn cần phải thành thạo nếu muốn chinh phục được kỳ thi IELTS. Hãy nhớ dành thời gian rèn luyện từng kỹ năng một để chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc nhất trước khi lên đường đi thi nhé!

Luyện IELTS
Kiến Thức Nền Tảng

More:

Bản tin eJOY(28)
Kiến Thức Nền Tảng(8)
Kỹ Năng Tiếng Anh(45)
Lộ Trình Học(32)
Luyện IELTS(41)
Ngữ Pháp(13)
Phát Âm(12)
Sản phẩm(6)
Tiếng Anh Giao Tiếp(158)
Từ Vựng Tiếng Anh(92)

Nội dung bài viết

    Related posts

    featured
    John DoeJ
    ·July 9, 2020

    Cẩm Nang Luyện Nghe Tiếng Anh Cho Người Mới Bắt Đầu

    featured
    John DoeJ
    ·February 29, 2020

    Học Tiếng Anh Hiệu Quả Với TED Talks Trên Điện Thoại

    featured
    John DoeJ
    ·October 2, 2018

    35+ Phần Mềm Học Tiếng Anh Tốt Nhất Theo Nhu Cầu Học

    featured
    John DoeJ
    ·May 22, 2018

    Cách Luyện Nói Tiếng Anh Với Kỹ Thuật Shadowing