Bạn vẫn luôn cho rằng mình không có khiếu học giỏi tiếng Anh? Thực ra vấn đề không nằm ở năng lực của bạn mà nằm ở phương pháp học. Bạn đang thiếu những nguyên tắc học tiếng Anh nền tảng, làm kim chỉ nam để bạn chọn phương pháp luyện tiếng Anh phù hợp. Vậy đó là nguyên tắc gì? Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn tự tin vào chính mình và bứt phá ngoại ngữ nhờ nắm được nguyên tắc học tiếng Anh.
Đây là một số những than phiền mà các bạn học kém tiếng Anh hay nói. Vấn đề nào sau đây giống vấn đề của bạn?
- Sao người khác học tiếng Anh giỏi mà mình học mãi ko lên trình? (Nguyên tắc 1, 2, 3, 4, 5)
- Sao mình không thể nhớ hết được các thì và cách dùng thì mà các bạn khác lại có thể nói tự nhiên được? (Nguyên tắc 2, 3, 5)
- Sao mình học từ mới mãi không nhớ và không biết cách dùng? (Nguyên tắc 2, 3, 5)
- Sao từ này mình biết mà đến lúc nghe lại không nghe ra, lúc nói thì quên tiệt đi mất? (Nguyên tắc 3, 4, 5)
- Mình không có năng khiếu học tiếng Anh, cứ nói đến học là ngại và nản? (Nguyên tắc 2, 4)
Những băn khoăn trên đây sẽ được giải toả nếu bạn biết được những nguyên tắc sau trước khi quyết tâm yêu lại tiếng Anh từ đầu.
1 – Tiếng Anh là tấm hộ chiếu
Nếu bạn không yêu thích văn hoá Anh Mỹ, không có nhu cầu phải sử dụng tiếng Anh trong công việc, bạn chỉ học tiếng Anh vì xã hội nói nó quan trọng thì có lẽ bạn nên cân nhắc lại. Tiếng Anh là tấm hộ chiếu giúp bạn kết nối với thế giới. Và hộ chiếu thì có hạn sử dụng, lâu ngày bạn không dùng nó cũng hết hạn đi. Vậy nếu trong tương lai bạn không có ý định sử dụng tiếng Anh thì sao phải “xoắn” ngay từ bây giờ? Còn nếu bạn lưỡng lự, hãy cân nhắc lại thật cẩn thận xem tiếng Anh sẽ có giá trị với bạn như thế nào? Giúp bạn đi du lịch và am hiểu văn hoá, con người? Giúp bạn làm việc trong môi trường đa quốc gia chuyên nghiệp? Giúp bạn du học ở đất nước nói tiếng Anh? Giúp bạn mở rộng kiến thức, phát triển bản thân?
Tiếng Anh không phải là đích đến nhưng lại là tấm hộ chiếu quan trọng. Vì vậy, dựa vào mục tiêu, đích đến cuối cùng là gì mà bạn “nộp đơn xin cấp hộ chiếu phù hợp”. Nếu bạn muốn đi du lịch, giao lưu kết bạn thì đâu cần cố ép bản thân xin “hộ chiếu IELTS”. Nếu bạn muốn du học nước ngoài thì IELTS thôi chưa đủ, còn phải có khả năng giao tiếp phản xạ nhanh. Chẳng thầy cô giáo, bạn bè nước ngoài nào đủ kiên nhẫn nói chậm và nhắc lại nhiều lần bằng thứ ngôn ngữ đơn giản, trẻ lên 3 cũng hiểu cho một sinh viên đại học.
2 – Học thư giãn và học tập trung
Khoa học đã chứng minh, không phải cứ tập trung học càng lâu càng tốt. Trái lại, khi bạn căng nhất mà biết dừng lại và đi chạy bộ, nghe nhạc, hay đơn giản là đi tắm thì não bộ của bạn sẽ bớt căng và thả lỏng, tạo điều kiện kết nối các kiến thức bạn đã học trong quá khứ với kiến thức mới học. Nhờ đó bạn tiếp thu được kiến thức mới tốt nhất.
Khi học tiếng Anh, bạn cần kết hợp linh hoạt cả việc học tập trung với học thư giãn. Lúc học tập trung, bạn chú ý tới từ vựng, ngữ pháp, phát âm, còn khi thư giãn, bạn nghe nhạc, xem phim đọc truyện tiếng Anh, hoặc bật lại bài nghe mà bạn yêu thích để nghe đi nghe lại nhiều lần.
Lấy ví dụ, nếu bạn học tiếng Anh với video trên eJOY, lúc bạn học tập trung là lúc bạn luyện 7 bước trên eJOY App với một video yêu thích– nghe hiểu, tra từ mới, nghe chép chính tả, nghe và nhại lại, nhập vai.
Còn khi bạn học thư giãn, bạn nghe lại đúng video đó nhiều lần, cho đến khi bạn có thể nhại theo bất kỳ đoạn nào trong video mà không cần xem phụ đề. Bạn có thể học thư giãn khi đang làm việc nhà, tắm rửa hoặc đang đi bộ. Bạn không cần tập trung nghe video, nhưng khi cần nghe bạn vẫn nhận ra được người nói vừa nói gì.
Học tập trung và thư giãn còn được nhìn nhận theo hướng, bạn có thể tập trung học tiếng Anh trong 3 tháng, mỗi ngày 2 tiếng để nâng trình tiếng Anh của bạn lên nấc mới. Sau đó bạn lại thư giãn với tiếng Anh, duy trì xem phim, đọc báo, nghe nhạc tiếng Anh mỗi ngày. Cho đến khi bạn muốn nâng hạng tiếp thì bạn lại tập trung một khoảng thời gian và lại thư giãn để não bộ giúp kết nối các kiến thức bạn đã thu nạp được.
3 – Lặp đi lặp lại
Mỗi ngày bạn học 5 từ mới, 1 tuần bạn sẽ có 35 từ mới, 1 tháng có 150 từ mới. Nhưng… Nhưng bao nhiêu trong số đó bạn sẽ ôn lại nhiều lần cho đến khi bạn nhớ và sử dụng được chúng? Rất ít. Và gần như bạn không theo dõi điều đó.
Hôm nay bạn học chủ đề Sở thích, ngày mai bạn học Nói về tương lai, 1 tuần bạn học 5 chủ đề, 1 tháng học 20 chủ đề. Nhưng .. bao nhiêu chủ đề trong số đó bạn sẽ ôn lại nhiều lần cho đến khi có thể nói chuyện thoải mái về chủ đề đó. Bạn gần như không theo dõi, và nếu có bạn cũng rất ngại vì ôn lại như vậy khá nhàm chán.
Vậy nhưng “Repetition is the mother of skills” (Luyện tập nhắc lại là bí kíp để lành nghề), bạn cần luyện đi xe đạp 2 bánh nhiều lần mới có thể đi thành thục. Bạn nghe ba mẹ nói “Ba, mẹ” nhiều lần bạn mới có thể nhại lại được chính xác từ “Ba, mẹ” – từ đầu tiên bạn nói được bằng tiếng mẹ đẻ.
Vì vậy, bạn có thể không học nhiều chủ đề, nhưng bạn cần nhắc lại nhiều lần. Bạn không cần nghe nhiều video, nhưng phim nào, đoạn nào bạn thấy hay, bạn cần xem đi xem lại nhiều lần đến khi không nhìn phụ đề mà vẫn nhại lại theo được. Đỉnh cao chính là khi bạn vừa tắm vừa nghe, đôi lúc chú ý đôi lúc lại không chú ý vào tiếng của video, nhưng khi cần chú ý là bạn nghe được và nhại lại ngay được câu vừa nói.
Nếu đó là nội dung bạn yêu thích, chắc chắn bạn sẽ luôn thích thú nghe lại. Vậy khi chọn học với 1 video hãy đặt mục tiêu luyện đến đỉnh cao không nhìn phụ đề vẫn nói theo được video. Sau nhiều video đạt đỉnh cao, bạn sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt.
4 – Hoà mình với nội dung của người bản xứ làm cho người bản xứ xem
Trước đây, bạn có thể đã học với video được làm cho người học tiếng Anh xem. Mặc dù vẫn là người bản xứ nói nhưng họ nói chậm, và dùng ngôn từ đơn giản để người học dễ tiếp nhận. Nhưng thực tế khi giao tiếp, người bản xứ nói hoàn toàn khác, điều này khiến bạn bị “sốc”: sao họ nói nhanh thế? Sao vẫn là từ vựng cơ bản mà nghe không ra? (Khi họ nói nuốt âm) Sao từ này mình biết mà vẫn không hiểu ý câu này là gì? (khi họ dùng từ lóng)
Nếu bạn đã ở trình độ trung cấp, bạn hãy tập trung luyện với nội dung mà người bản xứ cũng xem để luyện cho đôi tai của bạn quen với tốc độ, cách nói và dùng từ của người bản xứ. Mà chắc chắn bạn cũng thích xem nội dung đó hơn nhiều.
Còn nếu bạn đang ở vạch xuất phát, đồng ý bạn có thể học với video nói chậm, nhưng bạn vẫn có thể song hành xem phim Anh-Việt và xem các chương trình thực tế mà bạn có thể hiểu được và bạn thích. Nếu bạn xem trên máy tính, trình duyệt chắc chắn có tính năng nói chậm, bạn có thể chọn tính năng đó để nghe chậm lại. Và nếu bạn cài eJOY extension, bạn còn có thể tra từ vựng và bật phụ đề dịch tự động nếu như video không có phụ đề song ngữ. Làm được như vậy bạn sẽ không còn thấy bỡ ngỡ khi nghe người bản xứ nói với tốc độ đúng của họ.
5 – Học với ngữ cảnh – và chỉ học với ngữ cảnh mà thôi
Nếu bạn đã từng học từ vựng theo kiểu tìm kiếm một danh sách từ và học thuộc thì giờ là lúc bạn cần thay đổi. Nếu bạn đã từng mua sách ngữ pháp, đọc lý thuyết ngữ pháp rồi làm bài tập thì giờ bạn biết là bạn chẳng thể duy trì nổi được lâu. Nếu bạn đã từng học một khoá luyện 44 âm IPA để nói cho thật chuẩn thì chắc bạn đã thấm học xong bạn chỉ thấy dễ khi tra từ điển thôi còn lúc luyện nói bạn bị loạn thêm.
Những cảm xúc đó của bạn là đúng, bạn đã không sai, và bạn không hề kém tiếng Anh. Chỉ là bạn không còn phù hợp với cách học đó nữa. Bạn đã ở trình độ trung cấp rồi, bạn cần một phương pháp mới, đó chính là học với ngữ cảnh. Dù là học từ vựng, học ngữ pháp hay học phát âm, hãy học nó trong ngữ cảnh.
Khi xem một đoạn video, nếu bạn thấy từ vựng mới và từ này quan trọng, không biết nghĩa thì bạn sẽ không hiểu nội dung video. Vậy bạn hãy tra từ khi xem video để hiểu và lưu từ vựng cùng ngữ cảnh đó. Đó là học từ vựng theo ngữ cảnh.
Đọc thêm: Học từ vựng theo ngữ cảnh
Vẫn là đoạn video đó, nếu bạn đã tra từ rồi mà vẫn không hiểu nội dung video, có thể do người nói đang dùng cấu trúc ngữ pháp mà bạn chưa biết, ví dụ như cách nói đảo ngữ, hoặc dùng câu hỏi đuôi, hoặc dùng động từ khuyết thiếu như May, Should. Lúc này bạn nên tham khảo từ những bạn khá tiếng Anh, từ giáo viên, từ cộng đồng, từ sách ngữ pháp để hiểu cấu trúc ngữ pháp này. Đó chính là học ngữ pháp theo ngữ cảnh.
Đọc thêm: Học ngữ pháp theo ngữ cảnh.
Khi bạn luyện nói nhại theo video mà phần mềm không nhận diện được một số từ vựng bạn phát âm. Có thể do bạn đã phát âm chưa đúng, bạn cần xem lại cách phát âm từ đó. Bấm vào tra từ để xem phiên âm IPA nếu bạn dùng eJOY extension, tìm video hướng dẫn cách đọc âm đó hoặc nhờ bạn bè chỉnh sửa giúp mình. Đọc nhiều từ khác cùng chứa âm đó. Đó chính là cách học phát âm theo ngữ cảnh.
Kết luận
Như vậy, nếu bạn thấy mình học hoài mà khi nghe người bản xứ nói lại không nghe kịp, hãy xem lại bạn có đang luyện tập với nội dung thực tế không hay bạn đang xem nội dung dành cho người học tiếng Anh. Nếu bạn thấy mình não cá vàng, học hoài không nhớ, hãy xem lại bạn đã luyện tập lặp đi lặp lại chưa? Cách học từ vựng trên eJOY áp dụng nguyên tắc này triệt để đó. Và nếu bạn thấy mình nói không hay, nói không có ngữ điệu, hãy xem lại nguyên tắc 4,5 bạn đã luyện phát âm với ngữ cảnh thực tế chưa. Nghe thực tế đủ nhiều, luyện tập và sửa lỗi theo ngữ cảnh chắc chắn sẽ giúp bạn nói tự tin hơn rất nhiều.
Trước khi bạn vội kết luận về năng lực học tiếng Anh của mình, hãy nhớ lại 5 nguyên tắc học tiếng Anh trên và hãy xem phương pháp mà bạn đang học có đảm bảo được các nguyên tắc đó không nhé. Nếu đã đảm bảo hết mà bạn thấy mình vẫn kém, thì đó là nguyên tắc thứ 6 – nói tiếng Anh giống như biểu diễn trên sân khấu. Khi mới biểu diễn trên sân khấu, bạn sẽ bị run, quên bài, ấp úng, chứ không phải do bạn không có năng lực. Chỉ cần rèn luyện thường xuyên, tự tin vào bản thân là bạn sẽ vượt qua và làm cho mình toả sáng trên “sân khấu tiếng Anh.” Còn bây giờ, hãy yên tâm kết hợp tập trung học với video trên eJOY và rồi thư giãn tiếng Anh với eJOY nhé.