Trọng Âm Và Ngữ Điệu - Bí Quyết Để Nói Tiếng Anh Tự Nhiên, Lôi Cuốn

Ngữ điệu và trọng âm góp phần truyền tải ý nghĩa và cảm xúc của bạn tới người nghe. Việc nói đúng ngữ điệu và trọng âm sẽ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài. Ấy thế mà có vẻ như rất nhiều người (nhất là những người mới bắt đầu học) thường chỉ tập trung học phát âm chuẩn từng âm tiết mà quên mất hai yếu tố quan trọng này, dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả. Vậy ngữ điệu và trọng âm tiếng Anh khác gì với tiếng Việt? Và làm thế nào để có thể luyện tập nói tiếng Anh một cách tự nhiên với ngữ điệu và trọng âm? Bạn hãy đọc bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé!

Khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt

Trước khi đi sâu vào các quy tắc ngữ điệu và trọng âm trong tiếng Anh, chúng ta cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa phát âm tiếng Anh và tiếng Việt. Việc nhận thức đầy đủ sự khác nhau về quy tắc, tư duy giữa hai ngôn ngữ (và hai nền văn hòa) này sẽ giúp bạn loại bỏ những hiểu biết của mình về ngôn ngữ mẹ đẻ khi học tiếng Anh.

Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu (tone). Việc thay đổi âm điệu sẽ dẫn tới thay đổi nghĩa của từ. Ví dụ, trong loạt các từ thuần Việt me, mè, mé, mẻ, mẽ, mẹ, mỗi từ có ý nghĩa khác nhau do có thanh điệu khác nhau. Thanh điệu trong tiếng Việt thường được phân loại dựa theo hai tiêu chí là cao độ và âm điệu

  • Tiêu chí cao độ: thanh điệu cao (sắc, ngã, ngang) và thanh điệu thấp (hỏi, huyền, nặng)
  • Tiêu chí âm điệu: thanh điệu bằng phẳng (hay thanh bằng, gồm: huyền, ngang) và thanh điệu không bằng phẳng (hay thanh trắc, gồm: sắc, ngã, hỏi, nặng)

Trong khi đó, tiếng Anh lại là ngôn ngữ không có thanh điệu. Và vốn dĩ tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, mỗi từ có một âm tiết mang trọng âm cho nên trọng âm từ là xuất phát điểm của việc nghiên cứu nhịp điệu và ngữ điệu tiếng Anh. Việc nói không có hoặc sai trọng âm từ sẽ gây ảnh hưởng đến nghĩa từ vựng trong giao tiếp, và làm cho người nghe hiểu nhầm hoặc khó hiểu.


Xem thêm

Quy tắc cơ bản về ngữ điệu và trọng âm trong tiếng Anh

Trọng âm tiếng Anh (stress)

Trọng âm là gì?

Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết, những từ có hai âm tiết trở lên luôn có một âm tiết phát âm khác biệt hẳn so với những âm tiết còn lại về độ dài, độ lớn và độ cao. Âm tiết nào được phát âm to hơn, giọng cao hơn và kéo dài hơn các âm khác trong cùng một từ thì ta nói âm tiết đó được nhấn trọng âm. Hay nói cách khác, trọng âm rơi vào âm tiết đó.

Khi nhìn vào phiên âm của một từ, thì trọng âm của từ đó được ký hiêu bằng dấu (‘) ở phía trước, bên trên âm tiết đó.

Ngữ điệu và trọng âm tiếng anh
Trọng âm của từ hiển thị trên ứng dụng eJOY

Tại sao lại cần học về trọng âm

  • Trọng âm từ đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt được từ này với từ khác khi chúng ta nghe và nói tiếng Anh. Việc đặt sai trọng âm có thể dẫn đến hiểu nhầm do một từ được viết giống nhau nhưng có trọng âm khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau
  • Giúp bạn nhấn mạnh và truyền tải  những thông tin quan trọng tới người nghe
  • Trọng âm tạo nên ngữ điệu của câu nói, do đó sẽ giúp bạn nói tự nhiên và trôi chảy hơn
  • Việc nắm vững các quy tắc dấu trọng âm sẽ giúp bạn dễ dàng nghe hiểu người bản xứ nói
  • Nếu không đọc đúng trọng âm thì sẽ khiến người nghe hiểu nhầm ý bạn, gây khó khăn cho giao tiếp và làm cho cuộc đối thoại trở nên nhàm chán, không lôi cuốn
  • Ví dụ về đọc có và không có trọng âm

Quy tắc đặt trọng âm tiếng Anh

Các quy tắc đặt trọng âm tiếng Anh trong từ

  1. Từ có hai âm tiết

Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất

Hấu hết những danh từ và tính từ có hai âm tiết thì trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ nhất.

Ví dụ:

  • Danh từ: center /ˈsentər/, object /ˈɑːbdʒɪkt/, flower /ˈflaʊər/…
  • Tính từ: happy/ ˈhæpi/, present /ˈpreznt/ , clever /ˈklevər/, sporty /ˈspɔːrti/ …

Các động từ chứa nguyên âm ngắn ở âm tiết thứ hai và kết thúc bằng một (hoặc không) phụ âm, thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất.

  • Ví dụ: enter/ ˈentər/, travel/ ˈtrævl/ , open /ˈoʊpən/ …

Ngoài ra, các động từ tận cùng là “ow”, thì trọng âm cũng rơi vào âm tiết thứ nhất.

  • Ví dụ: borrow / ˈbɔːroʊ/, follow /ˈfɑːloʊ/…

Trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai

Trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ hai ở những động từ, giới từ có hai âm tiết.

Ví dụ:

  • Động từ: relax /rɪˈlæks/, object /əbˈdʒekt/, receive / rɪˈsiːv/ , accept /əkˈsept/…
  • Giới từ: among /əˈmʌŋ/, aside /əˈsaɪd/ , between /bɪˈtwiːn/…

Các danh từ hay tính từ chứa nguyên âm dài, nguyên âm đôi ở âm tiết thứ hai hoặc kết thúc nhiều hơn một phụ âm thì trọng âm sẽ rơi vào chính âm tiết đó.

  • Ví dụ: belief /bɪˈliːf/, Japan /dʒəˈpæn/, correct /kəˈrekt/, perfume /pərˈfjuːm/, police /pəˈliːs/ …

Những từ có hai âm tiết nhưng âm tiết thứ nhất là một tiền tố (như “un, dis, im, pre, re,…) thì trọng âm thường sẽ rơi vào âm tiết thứ hai.

  • Ví dụ: unwise /ˌʌnˈwaɪz/, prepare /prɪˈper/, dislike /dɪsˈlaɪk/, redo /ˌriːˈduː/…

  1. Từ có ba âm tiết và nhiều hơn ba âm tiết

Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất

Đối với danh từ có ba âm tiết: nếu âm tiết thứ hai có chứa âm /ə/ hoặc /i/ thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất.

  • Ví dụ: paradise /ˈpærədaɪs /, pharmacy /ˈfɑːrməsi/, controversy /ˈkɑːntrəvɜːrsi/, holiday /ˈhɑːlədeɪ /, resident /ˈrezɪdənt/…

Trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất nếu âm tiết cuối chứa nguyên âm dài hay nguyên âm đôi hoặc kết thúc nhiều hơn một phụ âm.

  • Ví dụ: exercise / ‘eksəsaiz/, compromise/’kɑmprə,maɪz/
  • Ngoại lệ: entertain /entə’tein/, comprehend /,kɔmpri’hend/

Trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai

Khi âm tiết cuối là nguyên âm ngắn như âm /ə/ hoặc /i/ và kết thúc là phụ âm hoặc không nhiều hơn một nguyên âm

  • Ví dụ: consider /kənˈsɪdər/, remember /rɪˈmembər/

Nếu các tính từ có âm tiết đầu tiên chứa âm /i/ hoặc /ə/ thì trọng âm cũng sẽ rơi vào âm tiết thứ hai.

  • Ví dụ: familiar /fəˈmɪliər/, considerate /kənˈsɪdərət/…

Trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai nếu các danh từ có âm tiết thứ nhất chứa âm ngắn (/ə/ hay/i/) hoặc có âm tiết thứ hai chứa nguyên âm dài/ nguyên âm đôi

  • Ví dụ: computer /kəmˈpjuːtər/, potato /pəˈteɪtoʊ/, banana /bəˈnænə/, disaster /dɪˈzɑːstə(r)/…

  1. Các từ chứa hậu tố

Các từ tận cùng bằng các đuôi , – ety, – ity, – ion ,- sion, – cial,- ically, – ious, -eous, – ian, – ior, – iar, iasm – ience, – iency, – ient, – ier, – ic, – ics, -ial, -ical, -ible, -uous, -ics*, ium, – logy, – sophy,- graphy – ular, – ulum  thì trọng âm nhấn vào âm tiết ngay tru­ớc nó.

  • Ví dụ: economic /ˌiːkəˈnɑːmɪk/, linguistic /lɪŋˈɡwɪstɪk/, geologic /ˌdʒiːəˈlɑːdʒɪk/…
  • Một số trường hợp ngoại lệ: politics /’pɑlɪtɪks /, arithmetic /ə’rɪθmə,tɪk /…

Các từ tận cùng là các hậu tố -cy, -ty, -phy , –gy, -ible, -ant, -ical, -ive, -ual, -ance/ ence, -ify, -al/ ar,  –-uous, -ual thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ ba tính từ dưới lên.

  • Ví dụ: privacy /ˈpraɪvəsi /, credibility /ˌkredəˈbɪləti/, photography /fəˈtɑːɡrəfi /, geology /dʒiˈɑːlədʒi/, practical /ˈpræktɪkl /…
  • Một số trường hợp ngoại lệ: accuracy /’ækjərəsi /…

Các từ chứa hậu tố: – ade, – ee, – ese, – eer, – ette, – oo, -oon , – ain (chỉ động từ), -esque,- isque, -aire ,-mental, -ever, – self thì trọng âm rơi vào chính các hậu tố đó.

  • Ví dụ: Japanese /ˌdʒæpəˈniːz/, mountaineer /ˌmaʊntnˈɪr/, entertain / ˌentərˈteɪn /, picturesque /pɪktʃəˈresk/…

Các tiền tố và hậu tố không làm ảnh hưởng đến trọng âm từ gốc: –able,-age,-al, -en, -ful, –ing, -ish,-less, -ment, -ous.

  • Ví dụ: comfortable /ˈkʌmftəbl /, happiness / ‘hæpinəs/, amazing /əˈmeɪzɪŋ /,  continuous /kənˈtɪnjuəs /…
  1. Từ ghép

Danh từ ghép: trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất.

  • Ví dụ:  doorman /ˈdɔːrmən/, typewriter /ˈtaɪpraɪtər/, greenhouse /ˈɡriːnhaʊs/ …

Tính từ ghép : trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai

  • Ví dụ: good-tempered, self- confident, well-dressed, hard-working, easy-going…

Động từ ghép: trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai

  • Ví dụ: Understand /ʌndərˈstænd /, overflow /ˌoʊvərˈfloʊ/…

Các quy tắc đặt trọng âm tiếng Anh trong câu

Nếu như trong một từ có nhiều âm tiết sẽ có âm tiết được phát âm mạnh, dài hơn thì trong một câu cũng sẽ có những từ trong câu được phát âm mạnh hơn, dài hơn, có những từ được phát âm nhẹ hơn, ngắn hơn. Đó chính là trọng âm câu, hay còn hiểu là nhịp điệu. Thường thì khi nhắc đến trọng âm, chúng ta có xu hướng nghĩ đến trọng âm của một từ mà quên đi mất trọng âm câu. Tuy nhiên thực tế trọng âm của câu cũng đóng vai trò rất quan trọng vì đặt sai trọng âm có thể làm thay đổi hoàn toàn nghĩa hàm chứa trong nói đó, và hơn nữa việc biết cách đặt trọng âm còn giúp bạn nói tiếng Anh hay và tự nhiên như người bản ngữ.

Ví dụ, với từ gạch chân là từ nhấn mạnh trong câu.

  • There are five apples on the table => Nhấn mạnh có 5 quả chứ không phải 2, 3.
  • There are five apples on the table => Nhấn mạnh là quả táo chứ không phải cam,
  • There are five apples on the table => Để trên bàn chứ không phải trên ghế, hay tủ,

Trong một câu, hầu hết các từ vựng tiếng Anh có thể được chia làm 2 loại.

  • Loại 1: Các từ vựng thể hiện nội dung (content words) như là danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Các từ vựng này làm nên nghĩa của câu, có chức năng truyền tải thông tin đến người nghe.
  • Loại 2: Các từ cấu trúc (structure words) như là giới từ, động từ to be, mạo từ,…. Các từ này chỉ đóng vai trò tạo nên một câu văn hoàn chỉnh và đúng ngữ pháp.

Khi nói tiếng Anh, chúng ta sẽ nhấn mạnh vào các từ thể hiện nội dung (stress) và lướt qua (de-stress) các từ cấu trúc, bởi vì những từ nội dung là những từ quan trọng và mang nghĩa của câu, còn những từ thuộc về mặt cấu trúc là những từ ít quan trọng hơn. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu trong một câu, các từ thuộc về mặt cấu trúc bị lược bỏ đi, chỉ còn những từ thuộc về mặt nội dung thì người nghe vẫn hiểu được nghĩa của câu. Ngược lại nếu bỏ đi content words thì người nghe không thể hiểu được ý nghĩa của câu.

Nên nhớ là những từ quan trọng sẽ được phát âm dài hơn, to hơn, và với âm cao hơn.

  • Từ thuộc về mặt nội dung: được nhấn trọng âm

Loại từ

Ví dụ

Động từ chính sell, give, employ, talking, listening
Danh từ car, music, desk
Tính từ big, good, interesting, clever
Trạng từ quickly, loudly, never
Trợ động từ (dạng phủ định) don’t, can’t, aren’t
Đại từ chỉ định this, that, those, these
Từ để hỏi Who, Which, Where
  • Từ thuộc về mặt cấu trúc: không được nhấn trọng âm

Loại từ

Ví dụ

Đại từ he, we, they
Giới  từ on, at, into
Mạo từ a, an, the
Từ nối and, but, because
Trợ động từ can, should, must
Động từ ‘tobe’ am, is, was

Ngữ điệu (intonation)

Ngữ điệu là gì?

Ngữ điệu trong tiếng Anh là sự lên xuống giọng, ngắt nghỉ khi nói, khi giao tiếp khiến cho kĩ năng nói của bạn trôi chảy hơn, hấp dẫn và tự nhiên hơn. Người ta sử dụng ngữ điệu trong tiếng Anh khi họ muốn thể hiện cảm xúc của mình thông qua lời nói.

Tại sao lại học về ngữ điệu

Vậy tại sao chúng ta lại cần học về ngữ điệu tiếng Anh khi muốn nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ? Ngữ điệu có vai trò gì đối với giao tiếp? Thực ra, cũng như trọng âm, việc hiểu và biết cách sử dụng ngữ điệu tiếng Anh sẽ mang lại cho bạn những lợi ích như:

  • Người khác sẽ hiểu trọn vẹn ý mình muốn nói (ý nghĩa, thái độ, tình cảm)
  • Nói có ngữ điệu sẽ giúp bạn giao tiếp tự nhiên, trôi chảy và lôi cuốn hơn
  • Nghe và hiểu được mọi ẩn ý sau mỗi lời nói của người bản ngữ khi giao tiếp. Người bản ngữ luôn dùng ngữ điệu ở từng câu nói nên việc biết ngữ điệu sẽ biết được ý nghĩa, thái độ và cả cảm xúc của họ.

Quy tắc ngữ điệu

Trong tiếng Anh có ba cách thể hiện ngữ điệu: Lên giọng (Raise); Xuống giọng (Fall); Xuống giọng một phần (Partical fall). Và trong từng trường hợp thì chúng ta sẽ sử dụng các cách khác nhau.

  1. Khi đặt câu hỏi

Với những câu hỏi Yes/No ngữ điệu của bạn nên thấp ở phần đầu và lên dần ở đoạn cuối câu. Ví dụ như:

  • Are you a teacher? – Bạn là giáo viên đúng không?
  • Do you like music? – Bạn có thích âm nhạc không?

Ta cũng cần lên giọng ở cuối những câu xác định nhưng mang ý nghĩa của một câu hỏi. Ví dụ như:

  • You really think so? – Cậu thực sự nghĩ vậy sao?
  • You don’t like this food? – Cậu không thích món này à?

Đối với các dạng câu hỏi có từ để hỏi, bạn lại phải xuống giọng ở cuối câu để thể hiện sự nghiêm túc và yêu cầu câu trả lời từ người đối diện. Nếu bạn lên giọng trong câu hỏi có từ để hỏi, thì người bản xứ sẽ thấy khá là kỳ quặc nên hãy cẩn thận nhé. Ví dụ như:

  • What are you doing here? – Cậu đang làm gì ở đây thế?
  • Why don’t you like her? – Sao cậu lại không thích cô ấy?

  1. Dùng trong câu trần thuật bình thường

Với những câu mang tính chất trần thuật thông thường chúng ta sử dụng ngữ điệu xuống vào cuối câu. Ví dụ như:

  • I’ve been learning English for 5 years – Tớ đã học tiếng Anh được 5 năm rồi.
  • She is my girlfriend. – Cô ấy là bạn gái của tớ.

  1. Dùng trong câu hỏi đuôi

Lên giọng ở cuối câu hỏi đuôi nếu người đặt câu hỏi đang muốn biết câu trả lời chứ không phải là để xác định lại điều đã biết. Ví dụ như:

  • She is a teacher, isn’t she? – Cô ấy là giáo viên, phải không?

Nếu để xác định lại điều đã biết hay mong đợi một câu trả lời đồng ý với mình, chúng ta sẽ phải xuống giọng ở cuối câu. Ví dụ như:

  • This place is beautiful, isn’t? – Nơi này đẹp nhỉ?
  • That guy is quite smart, isn’t he? – Anh chàng đó thông minh phết nhờ?

  1. Dùng trong câu liệt kê

Trong câu liệt kê, chúng ta sẽ lên giọng ở mỗi từ trong danh sách, duy chỉ có từ cuối cùng trong danh sách thì cần xuống giọng. Ví dụ như:

  • I love chocolate, strawberry and pistachio ice cream.” – Tớ thích kem socola, kem dâu và kem hạt dẻ.

  1. Khi muốn bộc lộ cảm xúc

Những cảm xúc mạnh như hạnh phúc, hào hứng, sợ hãi, bực bội, ngạc nhiên  thường sẽ lên giọng. Ví dụ như:

  • I can’t believe he gave you this camera! – Tớ không thể tin được là anh ấy tặng cho cậu cái máy ảnh này!

Ngược lại, chúng ta sẽ dùng ngữ điệu xuống đối với các trường hợp như chán nản, mỉa mai, không quan tâm. Chẳng hạn như ở ví dụ phía dưới, nếu dùng tông giọng thấp câu nói nghe sẽ khá mỉa mai. Và nếu là giọng mỉa mai thì thực chất người nói chả hào hứng hay vui mừng chút nào cả:

  • I’m so excited for you. – Tôi rất lấy làm mừng cho anh (thực ra tôi đang mỉa mai anh thôi).
  1. Khi muốn nhấn mạnh sự quan trọng của một điều gì đó trong câu

Chúng ta sẽ lên giọng ở những từ quan trọng, muốn được nhấn mạnh hơn cả. Chẳng hạn như ở ví dụ dưới đây:

  • She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh những chiếc áo có màu xanh (blue), chứ không phải vàng, hay đỏ.
  • She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh nhiều (a lot of) chiếc áo chứ không phải một vài chiếc.
  • She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh đấy là áo sơ mi chứ không phải váy hay áo len.

  1. Dùng trong câu cảm thán

Trong câu cảm thán chúng ta cần xuống giọng để thể hiện cảm xúc của mình. Tránh lên giọng, bởi như thế người nghe sẽ nhầm tưởng bạn đang có thái độ mỉa mai, châm biếm. Ví dụ như:

  • What a beautiful smile you have! – Ồ, cô có nụ cười đẹp làm sao!

Ngữ điệu và trọng âm tiếng anh

Cách luyện tập trọng âm và ngữ điệu

Một số lưu ý nhỏ

  • ý thức được sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt: Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng như do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, chúng ta thường mắc khá nhiều lỗi phát âm, trong đó có ngữ điệu. Vì vậy, chúng ta cần có ý thức về sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Nếu không được xây dựng ý thức về sự khác biệt trên ngay từ giai đoạn đầu của quá trình học thì sẽ rất khó khắc phục sau này.
  • ý thức được vai trò của nói chính xác và nói lưu loát: quan niệm sai lầm khi chỉ chú trọng phát âm rõ từng từ tiếng Anh mà không cần phải thể hiện ngữ điệu dẫn đến việc nói khó nghe, không tự nhiên, lưu loát.
  • luyện nói theo ngữ điệu bằng cách bắt chước cách người bản ngữ nói rồi thu âm lại và tự đánh giá (kỹ thuật shadowing): Đây là cách phản hồi hiệu quả khi bạn có thể “nghe lại chính mình”, và học từ những lỗi sai của mình.

Cách luyện tập trọng âm và ngữ điệu tiếng Anh

Luyện tập nhấn trọng âm vào các từ chính trong câu

  • Bước 1: Viết một câu hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp và cấu trúc
    • VD: I have to go to school
  • Bước 2: Gạch chân từ chính
    • Ví du: I have to go to school
  • Bước 3: Luyện nói
    • “Have … go … school” với ngữ điệu, độ cao, độ ngân, độ to như nhau
  • Bước 4: Thêm các từ còn lại
    • “ I HAVE to GO to SCHOOL” với độ cao, độ ngân thấp hơn và nhỏ hơn

Lưu ý trong bước này đó là các từ “to” gần như gắn vào từ “go” và “school” ở sau. Tức là:    I HAVE/ toGO/ toSCHOOL

Luyện tập thể hiện ngữ điệu

Cách dễ dàng nhất đó là nhắc lại theo câu nói của người bản xứ (shadowing technique hay kỹ thuật cái bóng). Nghe thật kỹ lần đầu tiên và đọc phụ đề, sau đó nghe lại lần hai và nhắc lại. Bạn có thể xem video hướng dẫn kỹ thuật bắt chước ở đây.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi bạn tập nói không phải là nói, mà là nghe lại những gì bạn vừa nói và so sánh với cách nói của người bạn địa. Bởi thực sự thì những gì người nghe sẽ nghe không giống với những gì bạn tưởng tượng đâu, bạn cần phải ghi âm giọng của mình để đối mặt với sự thật.

Thế nhưng câu hỏi là cần phải thực hiện điều này như thế nào khi bạn không biết nên sử dụng phần mềm nào để có thể ghi âm và giúp bạn đối chiếu với cách nói chuyện của người bản xứ? eEJOY sẽ giúp bạn thực hiện điều đó bằng chức năng Speak. Bạn có thể nghe video với bất kỳ chủ đề nào mình thích, eEJOY sẽ dừng lại sau mỗi câu để bạn nhắc lại, và giúp thu âm bài nói của bạn để đối chiếu với câu nói gốc.

Bạn có thể luyện tập với hơn 10.000 video được cập nhật liên tục mỗi ngày, lắng nghe hàng triệu giọng nói khác nhau và thử sức với đủ các ngữ điệu. Bạn có thể dễ dàng chọn lựa chủ đề mà mình yêu thích và video phù hợp với trình độ của bản thân nhờ hệ thống phân loại video theo chủ đề và các khóa học của eJOY.
Trải nghiệm phương pháp học mới cùng với eJOY và cảm nhận việc học tiếng Anh chưa bao giờ trở nên dễ dàng và thú vị như thế tại eJOY GO.

Luyện kỹ thuật Cái bóng trên eJOY Go

Học tiếng Anh miễn phí cùng eJOY GO ngay

Bài tập thực hành

Đánh dấu vào những từ có trọng âm trong các câu dưới đây, Sau khi trả lời xong, hãy luyện tập đọc to những câu đó nhé

  1. John is coming over tonight. We are going to work on our homework together.
  2. Ecstasy is an extremely dangerous drug.
  3. We should have visited some more castles while we were travelling through the back roads of France.
  4. Jack bought a new car last Friday.
  5. They are looking forward to your visiting them next January.
  6. Exciting discoveries lie in Tom’s future.
  7. Would you like to come over and play a game of chess?
  8. They have been having to work hard these last few months on their challenging experiment.
  9. Shakespeare wrote passionate, moving poetry.
  10. As you might have expected, he has just thought of a new approach to the problem.

Hãy xác định xem những câu dưới đây có ngữ điệu như thế nào

  1. What is your favorite book?
  2. I like banana, apple, and mango
  3. Can you play the guitar?

Bài luyện tập với video

Hãy xem cuộc hội thoại trong đoạn phim Friends dưới đây và xác định trọng âm từ, trọng âm câu và ngữ điệu của từng câu nhé

Trên đây là những quy tắc về ngữ điệu và trọng âm trong tiếng Anh mà bạn cần nhớ để có thể nghe hiểu và giao tiếp tự nhiên như người bản xứ. Hãy luyện tập hằng ngày để đạt được kết quả tốt nhất bạn nhé! Khó khăn của bạn khi luyện nói có ngữ điệu và trọng âm là gì? Hãy chia sẻ và cùng bình luận nha.

Tiếng Anh Giao Tiếp

More:

Bản tin eJOY(28)
Kiến Thức Nền Tảng(8)
Kỹ Năng Tiếng Anh(45)
Lộ Trình Học(32)
Luyện IELTS(41)
Ngữ Pháp(13)
Phát Âm(12)
Sản phẩm(6)
Tiếng Anh Giao Tiếp(158)
Từ Vựng Tiếng Anh(92)

Nội dung bài viết

    Related posts

    featured
    John DoeJ
    ·July 9, 2020

    Cẩm Nang Luyện Nghe Tiếng Anh Cho Người Mới Bắt Đầu

    featured
    John DoeJ
    ·February 29, 2020

    Học Tiếng Anh Hiệu Quả Với TED Talks Trên Điện Thoại

    featured
    John DoeJ
    ·October 2, 2018

    35+ Phần Mềm Học Tiếng Anh Tốt Nhất Theo Nhu Cầu Học

    featured
    John DoeJ
    ·May 22, 2018

    Cách Luyện Nói Tiếng Anh Với Kỹ Thuật Shadowing