Những ai đã trải qua tháng năm học trò hồn nhiên, vô tư và mơ mộng thì hẳn bạn đã biết đến hay đã xem bộ phim Glee hay High School Musical. Cả hai đều là những bộ phim âm nhạc đầy sôi động và ý nghĩa dành riêng cho những tâm hồn đang ở độ tuổi thanh xuân. Mà bạn có biết không, để quãng thời gian đáng nhớ đấy trọn vẹn, mình còn kết hợp việc thưởng thức bộ phim với việc học tiếng Anh đó. Mình nhớ là chính những series phim như này đã giúp mình cải thiện vốn tiếng Anh lên rất nhiều. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với bạn cách mình học tiếng Anh qua series phim gắn với thời học sinh của mình – Glee. Chúng ta hãy cùng xem xem Glee giúp học tiếng Anh như thế nào nhé!
Giới thiệu về Glee
Glee là một bộ phim truyền hình nhạc kịch hài tâm lý Mỹ bắt đầu trình chiếu vào năm 2000. Phim xoay quanh câu lạc bộ ca hát mang tên ‘New Directions’ tại một ngôi trường trung học ở Ohio, Mỹ. Người đặt tên và đồng thời dẫn dắt nhóm nhạc là một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha – Will Schuester.
Mang những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ, với mơ ước in dấu một kỷ niệm đặc biệt ở mái trường trung học trước khi phải nói lời chia tay, cả nhóm nhạc đã không ngừng luyện tập, tìm ý tưởng mới để có thể đại diện cho trường tham gia các cuộc thi âm nhạc khác nhau.
Xem Glee, bạn sẽ thấy một phần hồn của bản thân ở đấy, những tháng ngày dại khờ, bồng bột của tuổi trẻ, những thất bại đầy cay đắng và cả những chiến thắng rực rỡ vinh quang. Glee như một khúc nhạc thanh xuân với những nốt trầm bổng đầy ngây ngô, cảm xúc.
Ở Glee, không nhân vật nào là chính diện hay phản diện. Tất cả đều tồn tại song song những ưu điểm và khuyết điểm – những mặt tốt và mặt xấu – như bạn, như tôi, hay như tất cả con người không hoàn hảo đang sống ngoài đời thực. Để rồi xem xong bạn sẽ bật cười xót xa, sẽ thấy thỉnh thoảng ùa đến vài ba cảm xúc vừa ghét vừa thương lẫn lộn.
Tại sao lại học tiếng Anh cùng Glee?
1. Kỹ năng nghe-nói (giao tiếp)
Chỉ riêng việc xem Glee thôi, mình đảm bảo kỹ năng nghe và nói của bản thân sẽ được cải thiện rõ rệt. Bởi là một bộ phim về đề tài học đường nên các đoạn hội thoại trong phim đều rất gần gũi, thân thiết. Các nhân vật trong phim cũng nói rất rõ ràng, dễ nghe, không hề nhanh chút nào cả. Và trong lúc học, bạn hãy nhớ quan sát ngôn ngữ hình thể – những cử chỉ, nét mặt, cách họ đặt câu hỏi ở những tình huống khác nhau nhé! Bởi trong giao tiếp, ngôn ngữ hình thể luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.
2. Từ vựng và ngữ pháp
Việc học tiếng Anh qua các bộ phim sitcom nói chung sẽ giúp chúng ta nâng cao vốn từ vựng và ngữ pháp một cách nhanh chóng. Bởi lẽ, các tình huống trong phim đều rất đời thường, do đó từ vựng và cấu trúc ngữ pháp được sử dụng rất đơn giản, phổ biến. Đặc biệt với Glee, với tính chất là một bộ phim tuổi trẻ nên bạn sẽ còn học được nhiều từ thiết thực hơn như những từ lóng mà thế hệ tuổi học trò thường dùng, thi thoảng là những từ về chủ đề âm nhạc. À bạn đừng quên học từ vựng theo bối cảnh nhé! Vì đó là cách nhanh nhất để làm chủ vốn từ của mình.
3. Văn hóa và giáo dục của Mỹ
Xem Glee giúp mình có thêm nhiều hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Mỹ. Đặc biệt là, với Glee mình có cái nhìn rõ ràng về cuộc sống ở trường trung học, về những cô cậu học trò và cách giáo dục ở đất nước tự do, phóng khoáng này. Bạn sẽ thấy, ở đây, học sinh và giáo viên trò chuyện thẳng thắn, cởi mở và cực kỳ thân thiện. Họ rất tôn trọng nhau và tôn trọng chính mình.
4. Những bài học về tình bạn, tình yêu và cuộc sống
Hơn nữa, Glee còn truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu và cuộc sống. Bạn sẽ thấy rằng những nhân vật trong phim chẳng ai giống ai cả, họ khác biệt và họ yêu chính những sự khác biệt hay thậm chí khiếm khuyết của mình. Với Glee, bạn học được rằng thành công rồi sẽ đến nếu bản thân không ngừng cố gắng, rằng chưa bao giờ là quá muộn để theo đuổi đam mê của mình, rằng dù có đôi lần ganh đua, cãi vã thì bạn bè vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Cách học tiếng Anh qua phim Glee
Để có thể đạt được kết quả tốt nhất khi học tiếng Anh qua phim, bạn cần phải đầu tư thời gian, công sức và có một chiến lược học phù hợp.
Dưới đây là các bước mình học tiếng Anh qua phim Glee, bạn có thể tham khảo:
- Xem toàn bộ một tập phim trước (episode – tầm 50 đến 60 phút), sử dụng Engsub, song ngữ hoặc Vietsub tùy vào khả năng nghe của riêng bạn. Đây là lúc bạn làm quen với toàn bộ tập phim, chính vì thế hãy “tạm quên” đi việc học tiếng Anh và tận hưởng bộ phim bạn nhé. Nếu bạn xem phim với phụ đề song ngữ hoặc tiếng Anh thì hãy nhớ tra và lưu lại từ mới nhé.
- Chọn những đoạn hay hoặc dễ nghe để học. Đây là lúc việc học tiếng Anh bắt đầu. Đối với người ở trình độ mới bắt đầu, bạn nên chọn những đoạn dễ nghe và có câu từ đơn giản, dễ hiểu để bắt đầu học. Nếu bạn thuộc trình độ Intermediate rồi thì hãy xem những đoạn hay mà mình yêu thích. Những đoạn hay ở đây có thể là những đoạn có nhiều cấu trúc từ mới, hay là những đoạn giao tiếp tự nhiên mà bạn muốn tham khảo kỹ hơn để cải thiện cách nói của mình. Sau đấy thì luyện tập auto-pause, nói nhại theo từng câu trong đoạn phim cho tới khi thành thạo
- Xem lại và tự ôn luyện để nhớ kiến thức lâu hơn. Lần xem lại này bạn chỉ nên xem với phụ đề song ngữ hoặc tốt nhất là tiếng Anh để kiểm tra mức độ nghe hiểu của mình. Việc ôn tập từ đã lưu trong các đoạn phim sau đấy cũng rất cần thiết để bạn ghi nhớ và thành thạo cách sử dụng các từ vựng đó. Nếu không ôn tập từ vựng, bạn sẽ nhanh chóng quên những gì đã học ở tập phim trước khi bạn chuyển sang học tiếp với tập phim tiếp theo.
Để hiểu rõ hơn cách thực hiện từng bước một, bạn hãy đọc thêm bài viết Cách học tiếng Anh qua phim – Từ A-Z của eJOY nhé. Và tin mình đi, nếu bạn thực hiện những bước trên một cách kiên trì và ôn tập lại thường xuyên thì sớm thôi bạn sẽ thấy các kỹ năng tiếng Anh của mình được cải thiện lên rất nhiều.
Dưới đây là một số cảnh phim hay trong Glee và những từ vựng/ cấu trúc mình học được từ những cảnh phim đó. Bạn có thể tham khảo và luyện tập nhé!
Những đoạn hội thoại đặc sắc để học tiếng Anh trong Glee
1. Cảnh Rachel giới thiệu về bản thân (S1E1)
Born out of something
Ý nghĩa và cách dùng
“Born out of something” chỉ một sự việc xảy ra như kết quả của (hay bắt nguồn từ) một việc nào đó.
Trong đoạn giới thiệu, Rachel có nói câu “I am not homophobic. In fact, I have two gay dads. See, I was born out of love.” Ý muốn nói, việc 2 ông bố đồng tính sinh cô ra là bắt nguồn từ tình yêu.
Ví dụ
- I’m always grateful for what I have in life partly because I was born out of love (Tôi luôn thấy biết ơn cho những gì tôi có trong đời phần là bởi vì việc tôi sinh ra là bắt nguồn từ tình yêu)
- I am not homophobic. In fact, I have two gay dads. See, I was born out of love. (Tôi không phải đồng tính, Thực tế thì tôi có hai ông bố gay. Đấy, thấy không, tôi được sinh ra từ tình yêu)
Keep someone busy
Ý nghĩa và cách dùng
Rachel có nói “my MySpace schedule keeps me way too busy to date” khi cô giới thiệu về các hoạt động hằng ngày của mình. Câu đó có nghĩa là, việc dùng MySpace khiến Rachel quá bận rộn đến nỗi không có cả thời gian để hẹn hò. Từ “way” thường đứng sau “too” như một dạng nhấn mạnh. Ví dụ như: “That restaurant is way too far from here” (Cái nhà hàng đó cách đây quá xa).
“Keep someone busy” là khiến ai đó trở nên bận rộn.
Ví dụ:
- Keeping yourself busy is a great way to avoid worries and sorrows. (Khiến mình bận rộn là một cách tuyệt vời để tránh những lo lắng hay muộn phiền)
- I had to keep the kids busy so that they wouldn’t interrupt me when I was working. ( Tôi đã phải khiến bọn trẻ bận rộn để chúng không còn quấy rầy tôi trong lúc đang làm việc)
Câu bị động
Ý nghĩa và cách dùng
- Câu bị động được dùng khi muốn nhấn mạnh đến đối tượng chịu tác động của hành động hơn là bản thân hành động đó.
- Cấu trúc:
Câu chủ động | S1 | V | O |
Câu bị động | S2 | To be | V(3) |
- Khi chuyển câu từ dạng chủ động sang dạng câu bị động: Tân ngữ của câu chủ động chuyển thành chủ ngữ của câu bị động.
- Trong đoạn phim, Rachel có dùng câu “I was given dance lessons, vocal lessons— anything to give me a competitive edge.” (Có nghĩa là, tôi được học hát, học nhảy – học bất cứ cái gì cho tôi một ưu thế cạnh tranh).
Ví dụ:
- Câu chủ động: I gave him a book (Tôi tặng cậu ấy một cuốn sách)
=> Câu bị động: He was given a book by me (Cậu ấy được tặng một cuốn sách bởi tôi)
- Câu chủ động: They have built the house since last month (Người ta xây ngôi nhà này từ tháng trước)
=> Câu bị động: The house has been built since last month (Ngôi nhà được xây kể từ tháng trước)
Keep something alive
Ý nghĩa và cách dùng
Rachel bảo “I try to post a MySpace video every day just to keep my talent alive and growing.”, có nghĩa là cô thường cố gắng post mỗi ngày một video lên Myspace để tài năng của mình luôn sống và phát triển.
“Keep something alive” có thể hiểu là nuôi dưỡng cái gì đó (để nó luôn sống, luôn tồn tại).
Ví dụ:
- In the world of hopelessness, keeping hope alive can sometimes be difficult. However the world lives on hope. (Trong thế giới tuyệt vọng, việc nuôi dưỡng niềm hi vọng có thể đôi lúc sẽ khó khăn. Tuy nhiên, thế giới này sống được là nhờ niềm tin và hi vọng)
- One of the most important keys to achieving success is to be able to keep your dreams alive.(Một trong những chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa thành công là việc không ngừng nuôi dưỡng ước mơ của bạn)
2. Cảnh Finn giới thiệu bản thân (S1E1)
Struggle with something
Ý nghĩa và cách dùng
“Struggle with someone/ something” là tranh đấu, vật lộn với ai hay với điều gì.
Trong cảnh này, Finn bảo “But I really struggle with the same thing other kids do. Peer pressure, backne.”, khi muốn nói rằng cậu cũng đang phải vật lộn với những điều mà tất cả mọi đứa nhóc ở độ tuổi của cậu cũng đang vật lộn như là áp lực bạn bè, hay những cái mụn lưng đang dần lớn.
Ví dụ
- I’ve been struggling with depression recently (Dạo gần đây tôi thường xuyên phải đấu tranh với căn bệnh trầm cảm)
- I used to struggle with speaking English fluently (Tôi đã từng rất khó khăn trong việc nói tiếng Anh trôi chảy)
Set something on fire
Ý nghĩa và cách dùng
Xét về nghĩa đen thì “Set something on fire” là đốt cháy cái gì đó. Còn nghĩa bóng thì sẽ là làm cái gì rực cháy, tỏa sáng, hào hứng, đầy đam mê. Khi Finn kể về thời thơ ấu của mình, về khoảng thời gian vui vẻ cùng mẹ và người bạn trai của mẹ, về việc lần đầu tiên cậu biết thế nào là “âm nhạc”, cậu bảo “Man, it set my soul on fire”. Ý nghĩa câu nói trên trong bối cảnh của đoạn phim là, âm nhạc khiến tâm hồn cậu rực cháy (hàm chỉ, anh rất đam mê âm nhạc).
Ví dụ
- I wish I could set his house on fire! (Tớ ước tớ có thể đốt cháy nhà lão ta)
- His performance set the audience on fire. (Bài biểu diễn của cậu ấy đã khiến toàn bộ khán đài trở nên sôi động)
Câu điều kiện loại hai
Ý nghĩa và cách dùng
Câu điều kiện loại 2 là câu điều kiện không có thật ở hiện tại. Khi bạn trai của mẹ Finn bảo với cậu ta: “You got a voice, buddy. Seriously, if I had that voice, my band would still be together”, ý của ông muốn bảo rằng Finn có giọng hát rất hay, và nếu ông có được một giọng hát như vậy thì ban nhạc của ông đã không phải tan rã rồi. Ở câu này, ông bạn trai dùng điều kiện loại 2, vì thực tế thì ông không hề sở hữu giọng hát hay như Finn và ban nhạc của ông cũng không còn nữa.
- Cấu trúc: If + S + V(2)/ V-ed, S +would/ Could/ Should…+ V(o)
Ví dụ
- If it wasn’t raining now, we could go fishing (Nếu giờ trời mà không mưa, tụi mình đã có thể đi câu cá rồi)
- If I were you, I would study harder (Nếu tớ mà là cậu, tớ sẽ học chăm hơn rồi)
To be worth it
Ý nghĩa và cách dùng
Chúng ta dùng “to be worth it” khi muốn chỉ điều gì đó xứng đáng với tiền bạc, công sức, thời gian mà mình bỏ ra cho nó. Trong đoạn phim, Finn có nói, “It was at that moment I decided to do whatever it took to make my mom proud of me, make her feel all her sacrifice was worth it.” Câu này có nghĩa là, cậu ấy quyết định sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khiến mẹ mình tự hào và khiến bà cảm thấy mọi sự hi sinh của bà là hoàn toàn xứng đáng.
Ví dụ
- It was a lot of hard work, but it was totally worth it. (Việc đó đúng là cần rất nhiều nỗ lực, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng)
- It took us 9 hours to climb to the top of the hill, but the view from the top was worth it. (Chúng tôi đã mất 9 tiếng đồng hồ để leo lên được đến đỉnh đồi, nhưng khi ngắm nhìn khung cảnh từ trên đỉnh thì điều đó hoàn toàn xứng đáng (không phí công chút nào)).
3. Khi Finn nói về việc bạn gái dính bầu với thầy Will (S1E4)
Loosen somebody up
Ý nghĩa và cách dùng
“Loosen somebody up” là giúp ai đó cảm thấy thoải mái, không bị xấu hổ, ngại ngùng hay căng thẳng. Lúc Finn thuyết phục thầy Will huấn luyện đội bóng chày, cậu có nói câu “You loosened us up”, khi nói về việc thầy đã giúp mọi người trong New Directions thư giãn, thoải mái và đấy cũng là điều mà đội bóng chày đang cần.
Ví dụ
- Hey, loosen yourself up. Everyone here is very friendly (Này, thư giãn chút đi. Mọi người ở đây rất thân thiện)
- I tried to loosen up the audience with a joke (Tôi đã cố gắng khiến khán giả thấy thoải mái và thư giãn với một câu nói đùa)
Come up with something
Ý nghĩa và cách dùng
Finn bảo “That’s how they came up with the Super Bowl Shuffle” khi cậu nói về việc nhóm Bears của Walter Payton đã thắng cuộc trong giải Super Bowl và việc họ nghĩ ra ý tưởng về bài Rap “Super Bowl Shuffle”. Ý của cậu là thể thao và âm nhạc (nhảy) hoàn toàn có mối liên kết với nhau.
“Come up with” nghĩa là nghĩ ra, nảy ra cái gì đó (thường là một ý tưởng, hay kế hoạch)
Ví dụ
- How could you come up with such a brilliant idea? (Làm thế nào mà cậu có thể nảy ra một ý tưởng tuyệt vời như vậy?)
- He came up with a great idea for the ad campaign. (Anh ấy đã nghĩ ra một ý tưởng rất hay cho chiến dịch quảng cáo)
Let me get this straight
Ý nghĩa và cách dùng
Chúng ta dùng “let me get this straight” khi chúng ta muốn làm rõ một suy nghĩ hay ý kiến đang ở trong tâm trí mình – để tôi nói thẳng (rõ ràng) ra nhé hay nói tóm lại là,!
Sau khi Finn trình bày về ý kiến của mình, thầy Will bảo “Let me just get this straight. You want me to teach the football team how to dance?”, nghĩa là, theo thầy hiểu thì em muốn thầy dạy đội bóng học nhảy?
Ví dụ
- Okay, let me get this straight. You want to break up with your girlfriend? (Được rồi, để tớ nói rõ ra nhé. Cậu muốn chia tay với bạn gái á?)
- So let me get this straight. You don’t like travelling? (Vậy nói thẳng ra là cậu không thích đi du lịch à?)
Talk somebody into something
Ý nghĩa và cách dùng
Trong đoạn phim, sau khi thầy Will nghe Finn nói rằng cậu muốn thầy dạy đội bóng nhảy, thầy có bảo: “Uh, I don’t think Ken will go for that.” (Thầy không nghĩ thầy Ken sẽ đồng ý chuyện đó – thầy Ken là huấn luyện viên đội bóng). Lúc đó Finn nói “We’ll talk him into it.”, ý là họ sẽ thuyết phục thầy ấy.
Vậy “talk somebody into something” có nghĩa là thuyết phục ai đó chấp nhận việc gì.
Ví dụ
- We have to talk her into letting us go to the party tonight (Bọn mình phải thuyết phục mẹ cho phép bọn mình đi liên hoan tối nay)
- I tried to talk her into watching that movie but she always said “no” (Tôi đã cố thuyết phục cô ấy xem bộ phim đó nhưng cô luôn nói “không”)
4. Khi Rachel thông báo với mọi người trong nhóm là cô sẽ làm mũi (S2E18)
See the light
Ý nghĩa và cách dùng
“See the light” là hiểu ra, ngộ ra điều gì đó.
Trong cảnh phim, Tina có nói: “I admit, yes, I don’t like my eyes sometimes, the shape, the color. But your self-hatred, Rachel, has helped me see the light.” (Tớ thừa nhận, đúng vậy, đôi lúc tớ không thích đôi mắt của mình, hình dáng và cả màu sắc. Nhưng chính việc cậu ghét bỏ bản thân đã giúp mình hiểu ra nhiều điều). Việc “see the light” mà Tina nói đến sau đấy là việc hãy luôn yêu chính mình.
Ví dụ
- It wasn’t until I was in my thirties that I saw the light and started to work hard. (Mãi cho tới lúc ở ngưỡng 30, tôi mới tỉnh ngộ và bắt đầu làm việc chăm chỉ)
- I am glad she has seen the light and come round to the notion that nothing is perfect. (Tôi mừng vì cuối cùng cô ấy cũng đã tỉnh ngộ và hiểu được rằng không có gì là hoàn hảo cả).
Have an obligation to do something
Ý nghĩa và cách dùng
“Have an obligation to do something” nghĩa là buộc, hay có bổn phận/ nghĩa vụ phải làm điều gì đó.
Ví dụ
- I have an obligation to attend that conference (Tôi buộc phải tham dự buổi hội thảo đó)
- You have an obligation to obey the law (Bạn có bổn phận phải tuân thủ pháp luật)
Be willing to doing something
Ý nghĩa và cách dùng
“To be willing to do something” là sẵn sàng, mong muốn làm điều gì đó.
Rachel bảo với cả nhóm, “If you guys aren’t willing to support my decision, then I’m pretty accustomed to making it on my own.” khi cô thông báo về việc mình sẽ đi sửa mũi. Câu nói có nghĩa là, nếu mọi người không sẵn sàng ủng hộ quyết định của mình thì mình cũng đã quen với việc tự đưa ra quyết định rồi.
Ví dụ
- You have to be willing to see other people’s points of view. (Bạn phải luôn sẵn sàng lắng nghe quan điểm của những người khác)
- If there is any problem with your study, just let me know. I’m willing to help (Nếu bạn có khó khăn gì trong việc học, cứ nói với mình nhé, mình sẽ rất vui lòng giúp đỡ)
Make up one’s mind
Ý nghĩa và cách dùng
Khi Finn ngăn Rachel đừng đi phẫu thuật mũi, cô nàng lạnh lùng bảo, “This isn’t a discussion. I have made up my mind”. (Đây không phải là một cuộc thảo luận. Mình đã quyết định rồi)
“Make up one’s mind” là đưa ra quyết định.
Ví dụ:
- Honey, have you made up your mind where to go yet? (Em yêu, em đã quyết định xem mình sẽ đi đâu chưa)
- “Which one do you like best?” “I don’t know – I can’t make up my mind.” (Cậu thích cái nào nhất? “ Tớ không biết nữa – tớ không thể quyết định được”)
Vậy là chúng ta vừa phân tích 4 cảnh phim đặc sắc trong Glee, và tất nhiên còn rất nhiều cảnh phim hay nữa đang chờ bạn khám phá? Hãy học tập đều đặn hằng ngày để việc học tiếng Anh qua phim đạt được hiệu quả nhất bạn nhé!
Một trong những công cụ giúp mình học tiếng Anh qua phim được thuận tiện hơn là eJOY eXtension. Đây là một tiện ích mở rộng của Chrome giúp bạn tra và lưu từ khi xem video trên YouTube, Netflix hay đang đọc báo để luyện tập cùng các game tương tác thú vị. Chỉ một cú click chuột bạn đã có thể biết được định nghĩa, nghĩa tiếng Việt và cả phát âm của bất kỳ từ nào mình đang học. Bạn còn có thể lưu những từ vựng đó hay thậm chí những cấu trúc câu hay ho mà mình vừa học để xem lại sau này nữa. Quá tuyệt đúng không nào?
Ngoài eJOY eXtension ra thì Phimlearning.com cũng là một công cụ hữu ích để học tiếng Anh qua các bộ phim hấp dẫn. Mọi bộ phim trên website này đã có sẵn phụ đề Anh lẫn Việt, chất lượng âm thanh, hình ảnh cực kỳ tốt và mình còn được tự chọn tốc độ nói của các đoạn hội thoại nữa. Đặc biệt là bạn có thể dùng eJOY eXtension ngay khi xem phim trên trang này nên có thể vừa kết hợp xem phim, vừa học tiếng Anh một cách thuận tiện.
Hãy thử học tiếng Anh qua phim Glee cùng hai công cụ này xem nhé! Vì chúng không những rất hay mà còn miễn phí nữa!